Hà Nội mở rộng mạng lưới thu hút thêm hành khách đi xe buýt

19:56' - 26/06/2018
BNEWS 6 tháng đầu năm 2018, mạng lưới buýt đã bao phủ 30/30 quận, huyện của Hà Nội với sản lượng hành khách vận chuyển tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng hành khách đi xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội vào giờ thấp điểm thường là người cao tuổi và trẻ em. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Chiều 26/6, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Ngô Mạnh Tuấn cho biết, nhờ mở rộng, điều chỉnh hợp lý hóa mạng lưới các tuyến buýt và nâng cao chất lượng dịch vụ, 6 tháng đầu năm nay, mạng lưới buýt đã bao phủ 30/30 quận, huyện của Hà Nội, sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt 221,5 triệu lượt hành khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến, năm 2018, sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt ước đạt 470 triệu lượt hành khách, tăng 7% so với năm 2017.

Trên cơ sở đề nghị của các huyện trên địa bàn nhằm nâng cao kết nối với các xã chưa có buýt phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khu vực ngoại thành; kết nối với các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung; tăng khả năng tiếp cận với các bệnh viện, trường học, khu đô thị, dự kiến, từ nay đến cuối năm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với Tổng công ty Vận tải và các địa phương sẽ mở mới thêm 8 – 10 tuyến buýt, nâng tổng số tuyến buýt mở mới trong năm 2018 lên 12 – 14 tuyến.

Đồng thời rà soát, điều chỉnh mạng lưới tuyến buýt đảm bảo kết nối, nâng cao hiệu quả khai thác của mạng lưới tuyến buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A, Cát Linh – Hà Đông. Phối hợp với Tổng công ty Vận tải và các đơn vị tiếp tục thay mới 190 xe buýt mới, thực hiện lắp camera giám sát hành trình trên 92 xe buýt.

Tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng dịch vụ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Rà soát, điều chỉnh, thay thế nâng cao chất lượng các nhà chờ, điểm dừng, điểm trung chuyển đáp ứng dần chỉ tiêu phục vụ với bán kính tiếp cận dưới 500m, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Theo ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, tuyến buýt nhanh BRT đang được hành khách là cán bộ, công chức lựa chọn làm phương tiện đi lại hàng ngày khá đông, chiếm khoảng trên 50% tổng sản lượng hành khách của tuyến.

Ngoài yếu tố phương tiện mới, có hệ thống nhà chờ hiện đại, đồng bộ, che mưa, che nắng, thì việc đảm bảo thời gian đi lại là yếu tố quyết định để hành khách lựa chọn.Thời gian đi lại của buýt BRT thường nhanh hơn buýt thường 25 – 30% số thời gian, chưa kể khung giờ cao điểm, thời gian đi lại của các tuyến buýt thường bị kéo dài thêm.

Tuyến buýt du lịch City tour 2 tầng đưa vào hoạt động từ cuối tháng 5/2018 cũng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của du khách và nhân dân Thủ đô, sản lượng hành khách đang có sự tăng trưởng hàng ngày.

Tổng Công ty Vận tải đang nghiên cứu để có mức giá phù hợp cho một số đối tượng để thu hút thêm hành khách trải nghiệm dịch vụ này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục