Hà Nội nỗ lực, vững bước đi lên

10:28' - 02/09/2021
BNEWS Đón chào Quốc khánh 2/9 năm nay, Hà Nội không rộn rã, tưng bừng như các năm trước, dường phố thưa bóng người qua lại.

Một Hà Nội tĩnh lặng, trầm ngâm, chất chứa nhiều nỗi niềm khi đang trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch COVID-19. Mặc dù đang lắng lại nhưng người dân Thủ đô vẫn luôn ánh lên niềm tin về một Hà Nội kiên cường, ý chí vươn lên.

6 giờ ngày 2/9, Lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động. Cảm xúc dâng trào trong lòng mỗi người khi lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trong gió hòa cùng giai điệu trầm hùng của bài Quốc ca. Đó là niềm tự hào, niềm tin về nội lực và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Điều đó càng có ý nghĩa hơn trong ngày Quốc khánh và trong bối cảnh cả nước đang đối mặt với nhiều khó khăn trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Hình ảnh lá cờ tung bay cùng đội tiêu binh trang trọng thực hiện nghi lễ vẫn hiện lên trong tâm trí nhiều người, khi bắt đầu một ngày mới.

Năm nay, thành phố giảm tối đa quy mô trang trí, cổ động trực quan, bởi cả nước và Thủ đô đang trong chiến dịch phòng, chống dịch COVID-19. Công tác trang trí được tiết giảm rất nhiều chủ yếu tập trung một số điểm có ý nghĩa lịch sử lớn tại khu vực Nhà hát lớn, Ngân hàng Nhà nước, khu vực Ba Đình lịch sử.

Ngày này, tại các khu dân cư, phố xá, người dân cắm cờ Tổ quốc, thể hiện niềm tự hào về ngày Quốc khánh cũng như lạc quan, tin tưởng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.

Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh 2/9, do tình hình dịch bệnh phức tạp, mọi hoạt động văn hoá, nghệ thuật, trưng bày, triển lãm đều gác lại. Người dân đón Quốc khánh một cách bình lặng, không ồn ào như trước và đồng lòng chia sẻ với thành phố cũng như cả nước.

Bởi hơn ai hết, mọi người hiểu rằng, đón Quốc khánh một cách trang trọng không chỉ là những hoạt động bề nổi bên ngoài mà trong sâu thẳm, họ luôn trân trọng lịch sử, nhớ về thời khắc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, nhớ đến hình ảnh hàng vạn đồng bào reo vui khi nước Việt Nam chính thức được khai sinh và sự hy sinh của rất nhiều anh hùng, liệt sĩ. Trân trọng quá khứ sẽ tin tưởng vào hiện tại và tương lai.  

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngày Quốc khánh luôn là một sự kiện trọng đại của lịch sử Việt Nam và thực sự ý nghĩa đối với mỗi người dân.

Nhiều người Hà Nội, nhất là những người lớn tuổi, có những ký ức đẹp về ngày Quốc khánh đã trải qua và khi tờ lịch được mở ra, nhiều ký ức sẽ hiện về với họ. Dù năm nay, Hà Nội không tổ chức các hoạt động chào mừng thì người dân sẽ đón theo một cách khác, lắng đọng, nhẹ nhàng hơn.  

Dù Hà Nội đang gồng mình chống lại dịch bệnh nhưng dịp Quốc khánh 2/9, thành phố vẫn nỗ lực, tổ chức tặng quà tới những người có công, các cơ sở cách mạng, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với họ.

Đó là sự tri ân với những đóng góp của các lão thành cách mạng; cán bộ tiền khởi nghĩa; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; người có công giúp đỡ cách mạng… trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước.  

Trong đợt dịch COVID-19 lần này, thành phố đặc biệt chăm lo cho các gia đình chính sách, người nghèo, đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô trước tác động của dịch bệnh.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, đến hết ngày 29/8, Hà Nội đã hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 2,34 triệu lượt người dân, người lao động, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng kinh phí gần 750 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách là gần 597 tỷ đồng, nguồn vận động xã hội hóa là gần 153 tỷ đồng.

Với phương châm “không để ai bị thiếu đói mà không được giúp đỡ”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời cho người dân như: hỗ trợ 100% hộ nghèo mỗi hộ một suất quà trị giá 1 triệu đồng, triển khai chương trình “Đoàn kết chống dịch” để kịp thời hỗ trợ cho người dân, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Chợ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Túi hàng 0 đồng”…

Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chia sẻ, không những chỉ doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Việt kiều mà nhiều em bé, cụ già đã dành tiền tiết kiệm, lương hưu ít ỏi của mình để đóng góp cho công tá phòng, chống dịch. Những việc làm đầy ý nghĩa này đã tạo nên một sức mạnh to lớn, góp phần không nhỏ cùng cả nước quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Hà Nội có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, đặc biệt, các lực lượng tuyến đầu với vai trò nòng cốt, đóng góp rất lớn trên các “mặt trận”.

Trong thời gian ngắn, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, y bác sĩ, điều dưỡng, lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên, hội viên cựu chiến binh, các tình nguyện viên, các cán bộ chi bộ, tổ dân phố, thôn, xóm tham gia các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng... đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, vận hành nhuần nhuyễn hệ thống phòng, chống dịch quy mô lớn bất kể ngày đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.

Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng thành phố Hà Nội đã tập trung thực hiện tốt "mục tiêu kép”. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nỗ lực duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng phương án “3 tại chỗ”, cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ giãn cách… để phòng tránh dịch bệnh lây lan.

Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,1% khai khoáng tăng 5,5%... Tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Thủ đô những tháng đầu năm vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thực tế hiện nay cùng với tình hình dịch bệnh ở các địa phương trên cả nước vẫn rất phức tạp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô tiếp tục giữ vững ý chí chiến đấu, quyết tâm, kiên trì thực hiện giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng tin tưởng với sự đồng lòng của người dân và sự quyết tâm với ý chí cao nhất của cả hệ thống chính trị, Hà Nội sẽ sớm đẩy lùi đợt dịch thứ tư, bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng chia sẻ: Ngày Quốc khánh năm nay đánh dấu chặng đường 76 năm Hà Nội và cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn để xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng phát triển hiện đại, hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Dù dịch COVID-19 đã tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội trong gần hai năm qua và đặc biệt ảnh hưởng trong thời điểm này, nhưng với nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, ý chí và khát vọng được hun đúc từ nhiều đời nay, người Hà Nội tin tưởng sẽ sớm chiến thắng được dịch bệnh từ bản lĩnh, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.

Đặc biệt, thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng bày tỏ niềm xúc động và luôn biết ơn vì đã nhận được rất nhiều tình cảm, đồng thuận, sẻ chia, chung sức, chung lòng của người dân trong lúc khó khăn này.

Mọi thời điểm, mọi quyết sách đều được Thường trực Thành ủy và UBND thành phố cân nhắc rất kỹ để lựa chọn phương án tối ưu, hiệu quả và hiện đang kiểm soát được dịch bệnh. Điều đó cũng là nhờ vào sức mạnh chung của chính quyền và nhân dân Thủ đô./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục