Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và Tứ Liên

12:10' - 25/02/2025
BNEWS Sáng 25/2, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình cầu lớn qua sông Hồng.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, đây là dự án giao thông trọng điểm của thành phố và là những vấn đề khó khăn, thách thức, đặt ra trong quá trình phát triển của Thủ đô, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo, được cử tri, nhân dân mong đợi và công việc cũng đang được thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ: Thống nhất trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) và Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15; Phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án nhóm A gồm: Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) và Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.

 
Cụ thể, đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa với tổng chiều dài khoảng 5,15 km. Điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, điểm cuối qua nút giao với đường Trường Sa. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án 20.171 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện là ngân sách thành phố Hà Nội. Địa điểm thực hiện dự án: Quận Tây Hồ, quận Long Biên, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025 đến năm 2027.

Mục tiêu đầu tư xây dựng nhằm cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Hồng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực làm tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân số, giảm áp lực giao thông trong khu vực trung tâm thành phố Hà Nội và giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân, Thăng Long và cầu Vĩnh Tuy. Đồng thời, từng bước hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cho Thủ đô và phát triển không gian đô thị hiện đại hai bên sông Hồng.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nêu rõ: Đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo tổng chiều dài khoảng 5,6 km. Điểm đầu Ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông quận Hoàn Kiếm; điểm cuối kết nối với phố Vũ Đức Thận, quận Long Biên. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án hơn 15.967 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện là ngân sách thành phố Hà Nội. Địa điểm thực hiện dự án gồm: quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025 đến năm 2027.

Mục tiêu đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo nhằm kết nối khu vực trung tâm Hà Nội với khu vực phía Đông, hoàn thiện kết nối Đông - Tây của thành phố, tạo điều kiện, tiền đề để phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị, tạo điểm nhấn kiến trúc của thành phố. Dự án hoàn thành góp phần giảm áp lực giao thông cho các cầu vượt sông Hồng hiện trạng như cầu Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì; tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa khu trung tâm với khu vực phát triển phía Đông thành phố.

Sáng cùng ngày, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao UBND thành phố Hà Nội làm cơ quan chủ quản thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu nằm trên 2 địa bàn hành chính cấp tỉnh (thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên). Trước đó, theo tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, tổng chiều dài Cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 7,5 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư 11.844 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện gồm Ngân sách thành phố Hà Nội và Ngân sách Trung ương. Thời gian thực hiện từ năm 2025 đến năm 2030.

Việc đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường đầu cầu sẽ hoàn thiện theo quy hoạch tuyến đường Vành đai 3,5 theo quy hoạch phát triển giao thông thành phố; kết nối trực tiếp sang tỉnh Hưng Yên; kết hợp với hệ thống đường hướng tâm của thành phố có giao cắt với tuyến đường Vành đai 3,5 sẽ chia sẻ và phân bổ lưu lượng, tránh tình trạng các phương tiện giao thông có nhu cầu di chuyển từ phía Bắc, Tây - Bắc của thành phố về phía Đông - Nam của thành phố phải di chuyển qua trung tâm thành phố. Từ đó, giảm nguy cơ ùn tắc giao thông trên các tuyến đường hiện có như Vành Đai 3, đường Giải phóng, Đường 70...

Ngoài ra, cầu Ngọc Hồi được đầu tư xây dựng sẽ giúp tăng sự liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tạo điều kiện thuận lợi, liên kết các khu đô thị mới như Ecopark, Đại An, Dream City… Từ đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam của thành phố cũng như các tỉnh phía Nam và Đông - Nam của Vùng Thủ đô như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh. Việc đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu tại thời điểm hiện nay khi toàn tuyến đường Vành đai 3,5 của thành phố Hà Nội đang được triển khai một cách đồng bộ theo quy hoạch là cần thiết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục