Hà Nội phối hợp với các tỉnh phía Bắc phòng, chống dịch cúm A/H7N9

19:00' - 31/03/2017
BNEWS Chiều 31/3, đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học và lãnh đạo của các tỉnh phía Bắc đã dự hội nghị phối hợp triển khai công tác phòng, chống cúm gia cầm.
Hà Nội và các tỉnh phía Bắc phối hợp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Ảnh minh họa: Duy Khương – TTXVN

Hội nghị bàn về phối hợp triển khai công tác phòng, chống cúm gia cầm, cúm A/H7N9 giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh thành phía Bắc.

Hội nghị nhằm tăng cường công tác kiểm soát động vật, sản phẩm động vật được lưu thông, tiêu thụ từ Hà Nội tới các tỉnh và ngược lại.

Hội nghị cũng là cơ hội để các địa phương nâng cao trách nhiệm quản lý trong công tác chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật.

Bên cạnh đó, hội nghị còn là cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật đảm bảo an toàn thực phẩm của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hội nghị nhằm tăng cường sự trao đổi giữa các tỉnh thành phố với Hà Nội về các chính sách quản lý phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật, quản lý giết mổ, vận chuyển kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.

Đặc biệt là các chính sách khuyến khích các cơ sở giết mổ tập trung, kinh nghiệm quản lý, xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ không nằm trong quy hoạch.

Bên cạnh đó, còn khuyến khích và kết nối, thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa các tỉnh, thành theo quy mô vùng, liên kết giữa các tỉnh thành phố cung cấp thực phẩm cho Hà Nội và ngược lại.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh Lào Cai có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm là rất cao.

Vì vậy, để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm tỉnh đã chủ động phối hợp với người chăn nuôi tăng cường kiểm tra giám sát dịch bệnh, lấy hộ chăn nuôi làm điểm, thôn bản làm cơ sở để làm sao có thể phát hiện được dịch bệnh nhanh và xử lý kịp thời.

Ngoài ra, các tỉnh thường xuyên có động vật, sản phẩm động vật vận chuyển vào địa bàn tỉnh Lào Cai cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển; đồng thời thường xuyên thông tin, trao đổi các thông tin về dịch bệnh để công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Đồng quan điểm với đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, ông Đỗ Văn Công, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn thông tin, về tình hình dịch cúm gia cầm A/H7N9 tại Trung Quốc cho thấy nguy cơ vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N8) chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng có nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta rất cao vì tình hình buôn bán động vật và sản phẩm động vật nhập lậu qua biên giới.

Mặc dù, trong mấy năm qua việc nhập lậu gia cầm qua biên giới có giảm nhưng vẫn chưa ngăn chặn được triệt để. Đối với, các điểm nóng trong việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới như Cửa khẩu Chi Ma, Lộc Bình tỉnh đã tổ chức vận động các hộ dân không vận chuyển, buôn bán, tiếp tay cho các đầu nậu vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, lãnh đạo huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tăng cường phối hợp kiểm tra việc lưu thông vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư kinh phí, trang thiết bị, vật tư, vắc xin phục vụ cho công tác phòng chống dịch cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chăn nuôi thú y cơ sở. Vì đây là lực lượng hết sức quan trọng trực tiếp tham gia giám sát dịch và thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục