Hà Nội sẽ trở thành điểm đến "an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn”?

16:16' - 02/04/2017
BNEWS Từ ngày 6 đến 9/4, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế (91 Trần Hưng Đạo) sẽ diễn ra Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2017 với chủ đề “Hà Nội - Điểm đến du lịch Việt Nam”.
Phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Tại VITM Hà Nội 2017, lần đầu tiên Ban tổ chức sẽ thực hiện Liên hoan ẩm thực đường phố quốc tế nhằm quảng bá ẩm thực Việt Nam, đồng thời mang đến cho công chúng những trải nghiệm ẩm thực đường phố của nhiều nước trong khu vực.
* Trung tâm du lịch lớn
- Nguồn tài nguyên du lịch phong phú
Hà Nội là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 6.000 di tích lịch sử, văn hóa - nhiều nhất trong cả nước. Nhiều di tích đã được UNESCO công nhận như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cùng hàng loạt các di tích quốc gia đặc biệt như chùa Một Cột, di tích Cổ Loa, Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, đền Sóc, khu di tích và danh thắng Hương Sơn...
Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, nổi bật như Hội Gióng, Hội đền Cổ Loa, lễ Hội Đống Đa, các lễ hội của Thăng Long tứ trấn, lễ Hội Phủ Tây Hồ, lễ Hội Chùa Hương (lễ hội hành hương lớn nhất và dài nhất cả nước)... tạo sức hấp dẫn bền vững đối với du khách.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm đến 59% tổng số làng nghề của toàn quốc. Nhiều làng nghề thủ công truyền thống từ lâu đời với những sản phẩm độc đáo được ưa chuộng và rất thu hút khách du lịch như: gốm Bát Tràng, lụa Hà Đông, Sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, mây tre đan Phú Vinh, gốm Hương Canh...
Một điểm khác tạo nên nét hấp dẫn riêng của Hà Nội là đặc trưng văn hóa ẩm thực tinh tế, phong phú và đa dạng, đã được ấn phẩm du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet xếp vào danh sách 10 thành phố ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới. Năm 2016, trang Telegraph đã xếp hạng 16 thành phố có nền ẩm thực ngon và phong phú nhất thế giới, trong đó Hà Nội đứng đầu danh sách.
- Tập trung nguồn lực phát huy thế mạnh
Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã chú trọng đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch thu hút đông đảo du khách như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp và trang trại, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo hội nghị)…
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, các dịch vụ du lịch cũng được đầu tư, nâng cấp. Hà Nội hiện có 2.870 cơ sở lưu trú với trên 45.000 buồng, phòng chiếm 20,4% tổng số cơ sở lưu trú của cả nước. Nhiều khách sạn 5 sao có quy mô lớn, thương hiệu đẳng cấp, chất lượng cao đi vào hoạt động, đáp ứng tương đối tốt yêu cầu đón khách đến Thủ đô và tổ chức các sự kiện quốc tế lớn. Hạ tầng giao thông của Hà Nội cũng ngày càng được cải thiện và đầu tư mở rộng, tạo thuận lợi cho du khách thăm quan.
Nhờ đó, lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch của Hà Nội liên tục tăng trưởng qua các năm. Trong giai đoạn 2007-2015, tổng khách du lịch đến Hà Nội luôn chiếm khoảng 1/3 tổng khách du lịch cả nước với mức tăng bình quân là hơn 10%/năm; tổng thu từ khách du lịch cũng tăng ổn định, bình quân trên 15%/năm. Năm 2016, tổng khách du lịch đến thành phố đạt 22 triệu lượt, trong đó có gần 4,1 triệu lượt khách quốc tế. Hai tháng đầu năm 2017, trong khi cả nước đón được 2 triệu lượt khách quốc tế thì Hà Nội đã đón gần 1 triệu lượt. Năm 2017 này, Hà Nội phấn đấu đón 23,61 triệu lượt khách (tăng 8% so với năm 2016), trong đó khách quốc tế là 4,3 triệu lượt (tăng 6% so với năm trước); tổng thu từ khách du lịch đạt 66.611 tỷ đồng (tăng 8%); công suất sử dụng phòng trung bình của các cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60%.
Theo đó, Hà Nội đã khẳng định được là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước (cùng với Thành phố Hồ Chí Minh), một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á.
* Xây dựng Hà Nội là điểm đến “An toàn-thân thiện-chất lượng-hấp dẫn”
Năm 2017, Hà Nội đặt mục tiêu là điểm đến “An toàn-thân thiện-chất lượng-hấp dẫn”, với các chỉ tiêu cụ thể: đón 23,61 triệu lượt khách (tăng 8% so với năm 2016), trong đó khách quốc tế là 4,3 triệu lượt (tăng 6% so với năm trước); tổng thu từ khách du lịch đạt 66.611 tỷ đồng (tăng 8%); công suất sử dụng phòng trung bình của các cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60%.
Để đạt được mục tiêu trên, thành phố đã và đang thực hiện các giải pháp: Tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường; rà soát, bổ sung quy hoạch; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch; tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, liên kết phát triển du lịch.

Biển người đi bộ đông nghịt trên phố Tạ Hiện ở Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Riêng về công tác quảng bá, thành phố đã phối hợp sản xuất 2 phim ngắn với chủ đề “Hà Nội-Trái tim của Việt Nam” và “Hà Nội-Cái nôi của di sản”. Ngày 13-3 vừa qua, 2 bộ phim ngắn này đã được phát sóng trên kênh CNN (kênh cung cấp tin tức cho hơn 200 đài phát thanh và truyền hình trên toàn cầu, sở hữu một lượng lớn khán giả trên khắp thế giới). Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội bước đầu đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố và các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá, phát triển thị trường du lịch quốc tế.
Ngành du lịch thành phố cũng lên kế hoạch tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch trên địa bàn, trong nước và quốc tế; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn tại các thị trường trọng điểm và thị trường khách mới, cụ thể: Tổ chức đón vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đến Hà Nội và vị khách du lịch quốc tế thứ 4 triệu đến Hà Nội năm 2017; Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội; tổ chức Hội nghị Hội đồng xúc tiến du lịch Châu Á (CPTA) thường niên lần thứ 16 tại Hà Nội; tổ chức tham gia Hội chợ du lịch quốc tế và Road show tại Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Anh, Đức; tham dự hội nghị Ban Điều hành Tổ chức Xúc tiến Du lịch các thành phố Châu Á-Thái Bình Dương (TPO).
Cùng với đó là nâng cấp chất lượng các sản phẩm du lịch, đưa vào khai thác phát triển du lịch tại: Khu vực trung tâm chính trị Ba Đình gắn với khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám; khu vực phố cổ; khu vực xung quanh hồ Tây và vùng phụ cận; khu vực di tích Đền Hai Bà Trưng; khu vực Chùa Hương; khu vực Ba Vì, làng cổ Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương và các làng nghề... Đồng thời, xây dựng các tuyến, tour du lịch kết nối Hà Nội với các nước trong khu vực và thế giới; tuyến, tour du lịch Hà Nội với các địa phương trong nước và các tuyến, tour du lịch trong Hà Nội. Thành phố cũng Giao Sở Công Thương chủ động đầu tư nâng cấp chất lượng, phát triển sản phẩm làng nghề; các điểm mua sắm, trung tâm thương mại đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục