Hà Nội tăng cường kết nối, mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa liên tỉnh

21:13' - 06/12/2023
BNEWS Ngày 6/12, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Toạ đàm trực tuyến Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" với chủ đề “Dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán" tại Hà Nội.
Phát biểu tại Toạ đàm, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết, thời gian qua, hàng Việt ngày càng khẳng định vai trò quan trọng ở trong nước và quốc tế. Trong nước, trên các kệ siêu thị hay các cửa hàng tạp hóa, các chợ dân sinh, hàng Việt đã chiếm ưu thế và được đa số người tiêu dùng Việt lựa chọn. Trên các kệ hàng quốc tế, hàng Việt cũng ngày càng khẳng định vị thế của mình. Các sản phẩm Việt xuất khẩu từ nông sản, thực phẩm đến đồ gia dụng, dệt may, da giày, nội thất... đã chinh phục nhiều thị trường khó tính như: Pháp, Nhật Bản, Italia…. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, hàng Việt cũng đứng trước nhiều thách thức để giữ vững thị phần.

 
Thông qua Tọa đàm này, Ban tổ chức mong muốn nhận được nhiều tham vấn quý giá của các đại biểu về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và các giải pháp để Cuộc vận động ngày càng nâng cao chất lượng, đạt hiệu quả cao. Qua đó, góp thêm tiếng nói tạo dựng sự đồng thuận trong xã hội về Cuộc vận động và người dân hiểu hơn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và thành phố Hà Nội cũng như những nỗ lực của doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, đơn vị đã thực hiện nhiệm vụ được giao hỗ trợ các tỉnh, thành phố quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tại thị trường Hà Nội theo các thông báo, kết luận, biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ các tỉnh, Thành ủy của 42 tỉnh, thành phố, với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cùng cả nước".

Trong năm 2023, ngành công thương Hà Nội cùng trên 30 tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để tăng cường kết nối cung - cầu hàng hóa phục vụ thị trường Hà Nội và các địa phương như hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Trị, Bắc Kạn, Tây Ninh, Hải Dương… làm việc trực tiếp với hệ thống phân phối Hà Nội để giới thiệu, kết nối sản phẩm đặc sản, đặc trưng; tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh tham gia trên 40 hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh tổ chức. Đồng thời, giới thiệu, cung cấp danh sách 3.000 sản phẩm của 30 tỉnh, thành phố đến hệ thống phân phối Hà Nội để chủ động kết nối và tiêu thụ. Nhiều sản phẩm nông sản, OCOP của các tỉnh, thành phố được kết nối, đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối của thành phố Hà Nội, được ưu tiên hỗ trợ truyền thông, quảng bá tiêu thụ, thu hút người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, sử dụng.

Từ kết quả triển khai việc kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, hoạt động này đã nâng cao hiệu quả Cuộc vận động. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, đơn vị phân phối Hà Nội tìm được nguồn hàng Việt ổn định, chất lượng từ các tỉnh, thành phố. Đây đều là những sản phẩm đặc sản, đặc trưng do đơn vị các tỉnh, thành phố sản xuất theo hướng dẫn, luôn được nghiên cứu điều chỉnh mẫu mã, quy cách, chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Thủ đô… 

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội cũng tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và một số tỉnh của Trung Quốc, giúp cho việc tiêu thụ hàng hóa của Thủ đô ngày càng được mở rộng, khẳng định chất lượng, uy tín và thương hiệu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng được tiếp cận nhiều hàng hóa chất lượng từ các vùng miền trên cả nước thông qua chương trình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục