Hà Nội thông xe cầu vượt An Dương – đường Thanh Niên

09:25' - 11/10/2018
BNEWS Sáng 11/10, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ thông xe cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên.

Đây là 1 trong 8 công trình giao thông cấp bách được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai theo cơ chế đặc thù nhằm khẩn trương giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho thành phố Hà Nội.

Nghi thức cắt băng khánh thành cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến dự.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, sau hơn 10 tháng thi công, công trình cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên đã hoàn thành đúng vàp dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đảm bảo chất lượng, mỹ quan và an toàn.

Với tổng mức đầu tư gần 312 tỷ đồng, dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên gồm 2 nội dung chính là: xây dựng cầu vượt trực thông theo hướng Yên Phụ - Nghi Tàm vượt qua đường An Dương và đường Thanh Niên (quận Tây Hồ) bằng kết cấu thép lắp ghép.

Móng cọc khoan nhồi, với chiều dài 271m, rộng 10m, 7 nhịp cầu và điều chỉnh kết cấu đê Hữu Hồng, đoạn từ Khánh sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, dài khoảng 1,1 km, bằng việc thay thế một phần đê đất bằng bê tông cốt thép đảm bảo an toàn chống lũ.

Đây là cây cầu thứ 11 ở Hà Nội sử dụng kết cấu hộp dầm đúc sẵn và cũng là một trong 8 công trình cấp bách cần triển khai nhằm hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Phát biểu và phát lệnh thông xe, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, cầu Nhật Tân và đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài hoàn thành đưa vào hoạt động đã tạo thêm một tuyến đường trục chính đô thị kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm thành phố một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Nhưng theo đó lưu lượng giao thông kết nối với Trung tâm chính trị Ba Đình, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì cũng tăng đột biến và tạo áp lực rất lớn lên nút giao An Dương - đường Thanh Niên, cũng như tuyến đê Nghi Tàm. Từ đó dẫn đến khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại và sinh hoạt của nhân dân.

Những chiếc xe đầu tiên đi trên cầu vượt nút giao An Dương – Thanh Niên sau lễ thông xe. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Việc thông xe công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên có ý nghĩa trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tạo sự kết nối thuận lợi giữa Trung tâm chính trị Ba Đình với cửa ngõ hàng không quốc tế Nội Bài.

Đồng thời, gia cố vững chắc đê điều đảm bảo an toàn phòng, chống lũ và tạo được cảnh quan đô thị trong khu vực, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung của thủ đô.

Chủ tịch UBND thành phố cho biết, từ hiệu quả quả mang lại của công trình này, thành phố sẽ nghiên cứu để triển khai tiếp đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến nút giao Nhật Tân và sẽ báo cáo Chính phủ, các Bộ, Ngành cho phép cơ chế để triển khai nhanh chóng thuận lợi nhằm sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ cả tuyến, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức bàn giao công trình cho các đơn vị đưa vào quản lý và khai thác công trình hiệu quả, duy tu duy trì, tổ chức giao thông hợp lý… đảm bảo an toàn, thuận lợi phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Để phục vụ lưu thông qua cầu và các tuyến đường lân cận, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã có phương án tổ chức giao thông khu vực này. Cụ thể, các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi theo 2 chiều trên cầu vượt An Dương - Thanh Niên theo hướng đường Yên Phụ - Nghi Tàm và ngược lại. Cấm các phương tiện xe thô sơ và người đi bộ đi trên cầu vượt.

Các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi qua nút giao thông đường Yên Phụ - An Dương - Nghi Tàm - Thanh Niên theo hướng từ Thanh Niên đi An Dương, Nghi Tàm, Yên Phụ qua trung tâm nút theo sự điều khiển và hướng dẫn của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, sơn kẻ, biển báo trên đường hiện trạng.

Các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi qua nút giao thông đường Yên Phụ - An Dương - Nghi Tàm - Thanh Niên theo hướng từ Nghi Tàm đi An Dương, Yên Phụ, Thanh Niên qua trung tâm nút theo hướng dẫn của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, sơn kẻ, biển báo trên đường hiện trạng.

Các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi qua nút giao thông đường Yên Phụ - An Dương - Nghi Tàm - Thanh Niên theo hướng từ Yên Phụ đi An Dương, Nghi Tàm, Thanh Niên qua trung tâm nút theo hướng dẫn của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, sơn kẻ, biển báo trên đường hiện trạng.

Các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi qua nút giao thông đường Yên Phụ - An Dương - Nghi Tàm - Thanh Niên theo hướng từ An Dương đi Yên Phụ, Nghi Tàm, Thanh Niên qua trung tâm nút theo hướng dẫn của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, sơn kẻ, biển báo trên đường hiện trạng.

Tại nút giao thông Nghi Tàm - Âu Cơ - Yên Phụ nhỏ: Các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi theo hướng dẫn của hệ thống biển báo và đảo giao thông trung tâm nút. Tại nút giao thông Yên Phụ - Cửa Bắc: Các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi theo hướng dẫn của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, biển báo, sơn kẻ tổ chức giao thông.

Người đi bộ qua các nút giao theo hướng dẫn của hệ thống biển báo, sơn kẻ tổ chức giao thông theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng tổ chức giao thông trên tuyến đường Yên Phụ nhỏ theo hướng, tổ chức giao thông một chiều cho các phương tiện ô tô theo chiều và đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao Thanh Niên - Phó Đức Chính.

Tổ chức giao thông một chiều cho các phương tiện ô tô theo chiều và đoạn từ đường Thanh Niên đến ngã 3 Yên Phụ nhỏ, đối diện trụ sở Công an phường Yên Phụ./.

Xem thêm:

>>Hà Nội phân luồng giao thông phục vụ lắp đặt dầm cầu vượt nút giao An Dương

>>Hà Nội rút kinh nghiệm trong thực hiện dự án cầu vượt nút giao An Dương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục