Hà Nội: Tôn vinh truyền thống “Tôn sư trọng đạo” tại Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017

15:17' - 21/01/2017
BNEWS Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 gồm nhiều hoạt động hấp dẫn, trong đó nổi bật là triển lãm thư pháp chủ đề “Tôn sư trọng đạo” và hoạt động viết chữ đầu Xuân.
 
Khách tham quan thưởng lãm nghệ thuật thư pháp tại Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Sáng 21/1, tại khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 được tổ chức đầy ý nghĩa, với sự tham gia của các nhà văn hóa, nhà thư pháp và đông đảo người dân yêu nghệ thuật thư pháp. Với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”, Hội chữ Xuân Đinh Dậu đã tôn vinh truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng nhân tài của dân tộc Việt Nam.

Tại lễ khai mạc, nhà thư pháp Trần Quốc Chí, Trưởng ban liên lạc các Câu lạc bộ Thư pháp Việt Nam đã biểu diễn thư pháp với chữ “Học đạo” nhằm chuyển tải tinh thần hiếu học, hiếu nghĩa của tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và nhân dân Thủ đô. Cũng tại buổi lễ, Ban tổ chức Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 trao giấy chứng nhận cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải tại triển lãm thư pháp “Tôn sư trọng đạo” diễn ra trong khuôn khổ Hội chữ, bao gồm hai giải nhất, hai giải nhì, hai giải khuyến khích cho cả hai thể loại chữ Quốc ngữ và chữ Hán.

Triển lãm thư pháp năm nay giới thiệu đến công chúng gần 30 tác phẩm thư pháp bằng chữ Hán – Nôm và chữ Quốc ngữ, được tuyển chọn từ trên 70 tác phẩm dự tuyển gửi đến từ hàng chục Câu lạc bộ Thư pháp đang sinh hoạt tại Thủ đô.

Nhà thư pháp Trần Quốc Chí đang trình diễn chữ "Học đạo". Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Các bức thư pháp được thể hiện trên nhiều chất liệu theo nhiều phong cách khác nhau, ghi lại những lời danh ngôn, giáo huấn, thơ văn… của các bậc tiền nhân về chủ đề “Tôn sư trọng đạo” qua các thời đại lịch sử.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: “Ý nghĩa sâu sắc về nội dung và sự tinh tế trong sáng tác nghệ thuật của các tác phẩm thư pháp trưng bày tại triển lãm không chỉ có ý nghĩa giáo dục các thế hệ trẻ Thủ đô biết bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn góp phần từng bước nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật thư pháp của công chúng”.

Là một hoạt động văn hóa thường niên, Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 mang đến sự phấn khởi, hào hứng của những người yêu thư pháp, nhất là chủ đề “Tôn sư trọng đạo” gắn liền ý nghĩa đầu năm mới và gắn liền với các giá trị tinh thần của khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Nhà đại thư pháp Cung Khắc Lược chia sẻ: Ngày xuân là sự kiện tuyệt vời với bất cứ người Việt Nam nào, do vậy người ta thường tìm đến một người yêu quý, kính trọng đó là người thầy. Với gương mặt ánh mắt của họ, người thầy sẽ nhận ra người đến với mình cần cái gì trong năm đó và lúc đấy lóe lên một tia sáng đó là chữ đầu năm.

Chữ đầu năm chính là sự chỉ đường, cho nên ông bà ta có câu rất hay là “Cho vàng không bằng chỉ nẻo, chỉ đàng cho đi”. Vì vậy, đầu năm tất cả người Việt trong và ngoài nước đều hướng về chúc tụng và tấm thư pháp là lời chúc tụng hay nhất, trúng nhất với mỗi một người.

 Trao chứng nhận các tác phẩm đoạt giải trong triển lãm thư pháp tại Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Còn nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Việt tâm bút Hà Nội bày tỏ: Tục xin chữ đầu năm của người Việt bắt nguồn từ sự hiếu học khi mọi người đều đến nhà thầy đồ xin chữ. Tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống, là sự răn dạy, nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam. Chủ đề của Hội chữ Xuân năm nay chính là định hướng về giáo dục, truyền đạt lại tinh thần của cha ông khuyên bảo thế hệ đi sau, khi đạt được sự nghiệp phải luôn tôn trọng, suy ngẫm, nhớ về những người thầy, những người đi trước.

Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 do Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức nhằm tôn vinh truyền thống “Tôn sư trọng đạo” nhân dịp Tết đến, Xuân về đồng thời đáp ứng nhu cầu xin chữ đầu Xuân của nhân dân. Hội chữ diễn ra đến hết ngày 11/2 (tức Rằm tháng Giêng)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục