Hà Nội tuyên án 9 bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ vỡ đường ống nước sông Đà
Sau hơn 1 tuần mở phiên tòa xét xử, chiều 13/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà về cùng tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại Điều 229 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tòa đã tuyên án phạt các bị cáo: Hoàng Thế Trung (sinh năm 1960, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội), Trần Cao Bằng (sinh năm 1954, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex) cùng lĩnh 24 tháng tù giam; Nguyễn Văn Khải (sinh năm 1961, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội), Vũ Thanh Hải (sinh năm 1960, nguyên Trưởng Phòng Sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex), Đỗ Đình Trì (sinh năm 1968, nguyên cán bộ Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng, nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội) cùng bị phạt 20 tháng tù giam; Trương Trần Hiển (sinh năm 1957, nguyên Trưởng Phòng Vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội) 16 tháng tù giam. Bị cáo Hoàng Quốc Thống (sinh năm 1955, nguyên cán bộ Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng, nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội) và Nguyễn Biên Hùng (sinh năm 1950, nguyên cán bộ Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng, nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội) cùng bị phạt 16 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 32 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.Bị cáo Bùi Minh Quân (sinh năm 1972, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị thuộc Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng, nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội) bị phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
* Giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu chưa chặt chẽ Bản án sơ thẩm nhận định, dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư theo hình thức BOO sử dụng vốn tự có, vốn huy động do doanh nghiệp tự thu xếp và vay của các tổ chức tín dụng, được xây dựng từ năm 2004 đến tháng 4/2009 được nghiệm thu đưa vào sử dụng, cho đến nay đã đóng góp một lượng lớn công suất cấp nước cho Thủ đô Hà Nội, hỗ trợ tích cực cho các nhà máy nước ngầm, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô.Tuy vậy trong quá trình vận hành khai thác, tuyến ống liên tục xảy ra sự cố vỡ ống truyền tải nước. Từ ngày 4/2/2012 đến ngày 2/10/2016, tuyến ống đã 18 lần bị vỡ ống với số lượng 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ, doanh nghiệp khai thác đã phải chi phí 16.618.883.494 đồng để khắc phục.
Bên cạnh đó, việc tuyến ống liên tục bị vỡ đã gây hậu quả buộc doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian 386 giờ, lượng nước ngừng cấp là 1.744.904 m3, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Kết luận giám định tư pháp ngày 15/4/2015, nguyên nhân gây vỡ đường ống nước là do vi phạm trong quá trình sản xuất ống, quá trình quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội.Trong đó, quá trình sản xuất ống chưa được kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, ống được sản xuất có chất lượng không đồng đều, chỉ tiêu độ cứng vòng của nhiều mẫu thử không đạt yêu cầu, ngoài ra không thực hiện thử nghiệm độ bền thủy tĩnh dài hạn để làm cơ sở cho việc kiểm tra độ bền dài hạn của tuyến ống sau này.
Trong quá trình thi công, Ban Quản lý Dự án, nhà thầu giám sát chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng ống trước khi lắp đặt. Khi phát hiện có sản phẩm ống không đảm bảo chất lượng đã không thực hiện kiểm tra lại chất lượng sản phẩm của lô ống tương ứng theo quy định, chưa kiểm soát chặt chẽ việc khắc phục các đoạn ống bị khuyết tật trong quá trình thi công.
Việc giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu chưa chặt chẽ, không phát hiện ra các tồn tại trong quá trình thi công, lắp đặt tuyến ống.
Đồng thời, tại bản giám định bổ sung số 107/BXD-GĐ ngày 30/9/2016 của Cục Giám định Nhà nước (thuộc Bộ Xây dựng) về chất lượng công trình xây dựng đã kết luận: “Nếu ống sản xuất có chiều dày, các thông số kỹ thuật đúng như thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và quá trình sản xuất, thí nghiệm, kiểm tra, vận chuyển, thi công lắp đặt, giám sát, nghiệm thu, thử nghiệm, vận hành và khai thác sử dụng tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu của thiết kế và các quy định có liên quan thì không thể gây ra sự cố vỡ đường ống”.Như vậy, việc thay đổi vật liệu từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh cho tuyến ống truyền tải nước sạch của Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội không phải là nguyên nhân gây ra vỡ tuyến ống truyền tải nước.
Đây là trách nhiệm của những cá nhân trong quá trình sản xuất ống, quá trình quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội.
* Bản giám định là khách quan và đầy đủ Trong bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã tập trung phân tích 5 nội dung liên quan đến ý kiến của các bị cáo và các luật sư bào chữa đưa ra tại phiên tòa. Cụ thể, tại phiên tòa, các luật sư và một số bị cáo cho rằng giám định không đúng, không khách quan, không đầy đủ, hình thức bản kết luận giám định tư pháp không đảm bảo dẫn đến việc quy kết hành vi phạm tội của các bị cáo là không đúng. Về nội dung này, Hội đồng xét xử nhận thấy, sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã có văn bản trưng cầu giám định gửi Bộ Xây dựng với nội dung cơ bản: Về sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng tại Dự án hệ thống cấp nước, về nguyên nhân vỡ tuyến ống truyền tải nước Sông Đà, chất lượng độ bền lâu của tuyến ống, phân định trách nhiệm các chủ thể có liên quan.Tổ chức giám định tư pháp của Bộ Xây dựng đã tuân thủ triệt để các quy định của Luật Giám định theo đúng thành phần chuyên môn, thực hiện việc giám định theo đúng quy trình, nội dung yêu cầu giám định, từ đó giải quyết được 4 vấn đề như yêu cầu của Cơ quan điều tra.
Do đó, Hội đồng xét xử đánh giá Kết luận giám định ngày 15/4/2015 và Công văn 107/BXD-GĐ ngày 30/9/2016 của Bộ Xây dựng là chứng cứ được sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án.
Thứ hai, tiêu chuẩn xây dựng mà Ban Quản lý Dự án, Nhà thầu tư vấn giám sát, Nhà thầu sản xuất và cung cấp ống phải tuân thủ là Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01.Do đó, theo Hội đồng xét xử, 9 bị cáo trong vụ án tại Ban quản lý dự án và Nhà thầu tư vấn giám sát, Nhà thầu sản xuất và cung cấp ống đã có hành vi không thực hiện đúng yêu cầu của Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-1 là hành vi phạm quy định về xây dựng.
Thứ ba, về hậu quả thiệt hại trong vụ án, việc vỡ ống đã gây ra hậu quả thiệt hại thực tế làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân.Tại phiên tòa, đại diện Công ty Khai thác dự án cũng không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường với lý do là dùng nguồn tiền dự phòng để chi phí. Đây là sự tự nguyện của Công ty Khai thác, được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Nhưng việc Công ty Khai thác dự án không yêu cầu bồi thường không có nghĩa là việc vỡ ống không gây ra hậu quả, mà là hậu quả đã xảy ra nhưng Công ty Khai thác không yêu cầu các bị cáo bồi thường hậu quả đó. Hội đồng xét xử xác định có căn cứ xác định hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm quy định về xây dựng của 9 bị cáo trong vụ án là 18 lần vỡ ống, 23 cây ống bị vỡ, chi phí khắc phục sửa chữa trên 16 tỷ đồng…
Thứ tư, về hành vi vi phạm của các bị cáo, theo Hội đồng xét xử, tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã xác định được: Ống cốt sợi thủy tinh được sản xuất, bàn giao cho Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát cho lắp đặt chỉ có 5 chỉ tiêu cơ lý để xác định chất lượng ống.Ống cung cấp không thực hiện thí nghiệm các chỉ tiêu cơ lý dài hạn trong 10.000 giờ để xác định độ bền 50 năm như tiêu chuẩn ANSI AWWA C950-1 quy định. Việc tuyến ống này liên tục bị vỡ từ năm 2012 đã làm mất ổn định cuộc sống sinh hoạt của người dân Thủ đô, gây lo lắng trong nhân dân.
9 bị cáo đã tổ chức sản xuất, nghiệm thu, cho lắp đặt các sản phẩm ống không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế, tiêu chuẩn sản xuất.
Như vậy, từ nguyên nhân vỡ đường ống nước xác định được trách nhiệm thuộc về 9 bị cáo tại Ban quản lý dự án, Nhà thầu sản xuất và cung cấp ống và Nhà thầu tư vấn giám sát do chủ đầu tư chỉ định.
Tại phiên tòa, các luật sư cho rằng, Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội là dự án mới, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 25 Bộ luật Hình sự quy định về “rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ” để loại trừ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Về điểm này, Hội đồng xét xử nhận định, ngày 31/8/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản trả lời: Công nghệ sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh không nằm trong danh mục ngành, nghề thuộc các lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư. Do đó, không đủ cơ sở để xem xét dự án “Nhà máy sản xuất ống cốt sợi thủy tinh” là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới ở Việt Nam để hưởng ưu đãi. Mặt khác, nội dung Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định: Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm.
Nhưng tài liệu, chứng cứ trong vụ án cũng xác định Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex không tuân thủ đúng quy trình, quy phạm trong việc sản xuất ống cốt sợi thủy tinh cấp cho Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội. Do đó, không có căn cứ để áp dụng Điều 25 - Bộ luật Hình sự năm 2015 để loại trừ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo trong vụ án này.
Hội đồng xét xử kết luận, hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng, đã xâm phạm đến quy định về quản lý chất lượng công trình trong lĩnh vực xây dựng, đồng thời xâm phạm đến tài sản của doanh nghiệp, đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt bình thường của người dân Thủ đô, gây lo lắng cho nhân dân.Do vậy, cần xử lý nghiêm các bị cáo trước pháp luật và có mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo nhằm trừng trị, răn đe, giáo dục các bị cáo và phòng ngừa tội phạm chung./.
Xem thêm:>>>Xét xử vụ vỡ đường ống nước sông Đà: Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với 9 bị cáo
>>>Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà
Tin liên quan
-
Kinh tế và pháp luật
Sẽ xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà vào ngày 5/3
19:48' - 05/02/2018
Ngày 5/2, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định đưa ra xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà vào ngày 5/3 tới.
-
Kinh tế & Xã hội
Phú Thọ: Sạt lở nghiêm trọng tại xã Tu Vũ
20:16' - 19/09/2017
Do ảnh hưởng của bão số 10 vừa qua, cộng với việc hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến nước sông Đà lên cao, gây ra tình trạng sạt lở đoạn qua địa bàn khu 1, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế và pháp luật
"Gã khổng lồ" dược phẩm gặp rắc rối tại châu Âu
07:00'
Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn thông cáo từ EC cho biết, Teva đã "phát tán thông tin sai lệch một cách có hệ thống" về các sản phẩm cạnh tranh nhằm cản trở sự xuất hiện của chúng trên thị trường.
-
Kinh tế và pháp luật
Xét xử sơ thẩm vụ án Xuyên Việt Oil: Mai Thị Hồng Hạnh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội bị truy tố
20:55' - 21/11/2024
Ngày 21/11, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil).
-
Kinh tế và pháp luật
Kỷ luật nhiều cán bộ Sở Nội vụ Gia Lai
10:57' - 21/11/2024
Tỉnh ủy Gia Lai ban hành quyết định kỷ luật ông Nguyễn Đình Tiến (Giám đốc Sở Nội vụ) bằng hình thức khiển trách.
-
Kinh tế và pháp luật
18 năm tù cho nhà sáng lập quỹ đầu tư Archegos vì gian lận tài chính
09:53' - 21/11/2024
Ngày 20/11, tòa án New York, Mỹ đã kết án 18 năm tù cho nhà sáng lập quỹ đầu tư Archegos, Bill Hwang vì gian lận tài chính liên quan đến vụ sụp đổ quỹ này vào năm 2021, gây thiệt hại hàng tỷ USD.
-
Kinh tế và pháp luật
Dự án trường học có cần giấy phép môi trường?
07:00' - 21/11/2024
Dự án đầu tư thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường phải bảo đảm đáp ứng đồng thời quy định tại Khoản 8 Điều 3 và Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường.
-
Kinh tế và pháp luật
Xét xử vụ án Xuyên Việt Oil: Mai Thị Hồng Hạnh được xác định là chủ mưu
21:12' - 20/11/2024
Trong vụ án này, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) được xác định có vai trò cầm đầu, chủ mưu.
-
Kinh tế và pháp luật
Công chức lãnh đạo, quản lý bị xem xét miễn nhiệm khi nào?
07:00' - 20/11/2024
Ông Đ.V.P làm Phó Trưởng phòng tại cơ quan cấp sở. Tháng 4/2021, cơ quan thực hiện sắp xếp lại tổ chức theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, từ 5 phòng xuống còn 4 phòng.
-
Kinh tế và pháp luật
Điều kiện cấp điều chỉnh giấy phép hành nghề y
07:00' - 19/11/2024
Theo quy định tại Điểm a, b Khoản 2 Điều 135 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP điều kiện cấp điều chỉnh giấy phép hành nghề.
-
Kinh tế và pháp luật
Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: Thu giữ số tài sản khoảng 4.900 tỷ đồng từ các bị cáo
21:14' - 18/11/2024
Theo Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tổng số tiền đang tạm giữ trong tài khoản của cơ quan này là hơn 4.250 tỷ đồng và 27 triệu USD (tương đương 685 tỷ đồng).