Hà Nội xử lý xây dựng không phép tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn

15:51' - 12/11/2015
BNEWS Công trình “Hương nghiêm pháp đường” tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn được xây dựng nhưng không có hồ sơ xin phép xây dựng gửi các cơ quan có thẩm quyền.
Hương nghiêm pháp đường được xây dựng to hơn Chùa Thiên Trù. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Ngày 12/11, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ký văn bản gửi UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), đề nghị kiểm tra và có báo cáo về việc xây dựng công trình “Hương nghiêm pháp đường” tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn gửi về Sở trong tháng 11/2015.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề nghị UBND huyện Mỹ Đức hướng dẫn các bộ phận trông coi di tích thực hiện nghiêm các quy định của Luật Di sản Văn hóa và hệ thống các văn bản liên quan trong việc quản lý bảo vệ, tu bổ và tôn tạo, phát huy giá trị di tích.

Thực tế, từ năm 2011, Ban xây dựng chùa Hương có tờ trình gửi UBND huyện Mỹ Đức về việc tu sửa các công trình phụ cận tại chùa Hương, trong đó có tu sửa nâng cấp khu nhà ở cho Phật tử phục vụ chấp tác tại chùa Thiên Trù và được sự nhất trí của UBND huyện Mỹ Đức.

Khi xây dựng, công trình này có tên gọi “Hương nghiêm pháp đường” được xây dựng phía bên phải chùa Thiên Trù thuộc khu di tích thắng cảnh Hương Sơn. Điều quan trọng, công trình được xây dựng có quy mô lớn, cao 3 tầng, to hơn chùa Thiên Trù, không hài hòa với không gian tôn nghiêm của di tích. Công trình này lại hiện diện ngay tại khu vực bảo vệ cấp 1 của di tích.

Hơn nữa, công trình được xây dựng mà không có hồ sơ xin phép xây dựng gửi các cơ quan có thẩm quyền như Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ năm 2013.

Sau khi nhận được thông tin, ngày 10/11, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã về kiểm tra hiện trạng xây dựng “Hương nghiêm pháp đường” tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn. Sắp tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ thành lập đoàn kiểm tra đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình vi phạm trên và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

Như vậy, thêm một lần nữa, trên địa bàn Hà Nội lại xảy ra tình trạng vi phạm trong quản lý, bảo tồn di tích. Câu hỏi đặt ra là, công tác quản lý di tích của các địa phương đến đâu và phải chịu trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra các vi phạm như trên./.

Đinh Thị Thuận/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục