Hà Nội xuất hiện nhiều điểm đê bị sạt lở

18:25' - 05/08/2019
BNEWS Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều điểm đê bị sạt lở làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Ngày 5/8, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, vào hồi 7 giờ ngày 5/8, tại địa phận các xã ven sông Tích, huyện Quốc Oai, mực nước sông Tích đang ở mức +7,25m, trên mức báo động II (mức báo động II là 7,2m).

Ngoài ra, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn xuất hiện nhiều điểm đê bị sạt lở làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Ông Đào Quang Khải, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị đang chỉ đạo các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa và Hoài Đức cắm biển cảnh báo nguy hiểm; thông tin để người dân biết, không tiếp cận khu vực xảy ra sự cố; đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến các điểm sạt lở, kịp thời báo cáo để thành phố có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời.

Trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, ngay từ đầu năm Hà Nội đã chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, tập trung chỉ đạo, xây dựng các phương án, kế hoạch ứng phó thiên tai nhằm giúp các cấp chính quyền và nhân dân chủ động hơn trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn với phương châm bốn tại chỗ.

Tại các xã ven sông Tích, ngành chức năng đã huy động lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ đê theo cấp báo động để chủ động, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra.

Cùng với đó, các xã thông báo lệnh báo động cấp II trên đài truyền thanh của xã, hệ thống loa phát thanh ở thôn, xóm để nhân dân được biết.

Trên địa bàn huyện Quốc Oai có 2 con sông lớn chảy qua (sông Tích và sông Đáy) giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết ngập úng, phục vụ tưới tiêu.

Toàn huyện có tổng 31,7 km đê chính là đê Hữu Đáy dài 12,5km, đê tả Tích có chiều dài 10,6 km, đê hữu Tích dài 8,6km. Ngoài ra, còn có 9,6km đê bao nội đồng thuộc hệ thống đê quai.

Trong đó, toàn tuyến đê Tả Tích có 18 cống dưới đê được xây dựng từ năm 1960 - 1970, nhìn chung qua nhiều năm hoạt động các cống đã xuống cấp. Hệ thống trạm bơm tiêu toàn huyện có 15 trạm bơm với 70 máy bơm từ 1.000 - 4.000m3/h.

Theo thông tin từ Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức, trên tuyến đê tả Đáy, sự cố sạt lở mái đê phía thượng lưu cũ (xuất hiện từ năm 2018) đã phát triển thêm tại vị trí từ K60+865 đến K60+985 thuộc thôn Giang Đường, xã Đồng Tiến.

Chiều dài cung sạt là 120m, chiều rộng khối sạt đoạn lớn nhất 8m, đỉnh cung sạt ở cao trình 8,5m, đỉnh khối sạt sâu xuống 1,5m.

Bên cạnh đó là sự cố sạt lở mái đê xã Đội Bình, chiều dài cung sạt 10m, chiều rộng cung sạt 1,5m sạt sâu 0,8m, vị trí sạt cách tim đê 10m.

Tại vị trí K79+490, chiều dài cung sạt 12m, chiều rộng cung sạt 1,5m, sạt sâu 0,8m, vị trí sạt cách tim đê 10m.

Tại vị trí K79+650, chiều dài cung sạt 18m, chiều rộng cung sạt 5m, sạt sâu 0,9m, vị trí cung sạt cách tim đê 9m.

Trong khi đó, hoàn lưu gây mưa lớn sau bão số 3 cũng khiến bờ kênh T2 tại huyện Hoài Đức bị vỡ 3 điểm. Cụ thể, đoạn trạm bơm đầu cầu dài 5m, đoạn bờ tả kênh T2-6 gần trạm bơm Đồng Quan dài 3m và bờ hữu kênh T2 đoạn hạ lưu trạm bơm xã Sơn Đồng dài 4m.

Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn Hà Nội cũng đã phát sinh 3 sự cố đê điều tại huyện Thường Tín và huyện Phú Xuyên.

Cụ thể, tại huyện Thường Tín, bãi sông Hồng thuộc địa bàn xã Tự Nhiên bị sạt lở với chiều dài 200m với 3 cung sạt, trong đó có 1 cung sạt nằm sát công trình phụ của nhà dân.

Hai vị trí sạt lở đê hữu Hồng thuộc huyện Phú Xuyên có tổng chiều dài khoảng 33m với cao trình chân cung sạt +7m.

Ngoài ra do mưa lớn kéo dài nên thống kê đến sáng nay (5/8), toàn thành phố có khoảng 3.530ha cây trồng bị ngập sâu.

Bị thiệt hại nặng nhất là huyện Thường Tín với 935ha, tiếp đến là các huyện Chương Mỹ 683ha, Hoài Đức 517ha,…

Để chủ động tiêu úng cho cây trồng, sáng 5/8 các doanh nghiệp thủy lợi tiếp tục vận hành 271 trạm bơm với 1.065 máy bơm, tập trung chủ yếu trên hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy.

Cùng với tình trạng ngập úng, một số hồ chứa trên địa bàn Hà Nội cũng đã đầy nước, chủ yếu là các hồ chứa nhỏ.

Cụ thể là các hồ có dung tích vượt thiết kế là Kèo Cà vượt 0,02m; Quan Sơn vượt 0,37m và Miễu vượt 0,27m.

Một số hồ chứa lớn hơn dù chưa vượt ngưỡng thiết kế nhưng có dung tích khá cao như: Đồng Sương, Đồng Đò, Đồng Quan, Ban Tiện, Văn Sơn…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục