Hà Nội yêu cầu rà soát toàn bộ quá trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản 3 mỏ cát

19:40' - 15/11/2023
BNEWS UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì cùng các Sở, ngành và các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ quá trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản 3 mỏ cát.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 về việc kiểm tra kết quả đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát (Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu) trên địa bàn Hà Nội vừa được tổ chức ngày 5/11, UBND thành phố đã có Công văn số 3861/UBND-TNMT yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì cùng các Sở, ngành và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát trên theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo chặt chẽ, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trước ngày 17/11/2023.

 

UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phải kiểm tra, rà soát toàn bộ Giấy phép khai thác cát cấp trên địa bàn đã hết thời hạn khai thác, báo cáo hiện trạng, cơ sở pháp lý, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; nghĩa vụ tài chính về đất đai, môi trường, khoáng sản; đóng cửa mỏ theo quy định.

Trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất UBND thành phố đưa vào Kế hoạch khai thác khoáng sản của thành phố đối với các mỏ còn trữ lượng khai thác nhưng hết thời hạn; không gia hạn giấy phép khai thác cát, không cấp giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật theo Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 05/9/2022 của UBND thành phố.

Đối với các mỏ cát chưa hết thời hạn khai thác, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật có liên quan của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổng hợp báo cáo và đề xuất UBND thành phố chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Công an thành phố và UBND các quận, huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn, phát hiện, điều tra xử lý nghiêm hành vi khai thác cát, khoáng sản trái phép, báo cáo thường xuyên theo quy định.

Như tin TTXVN đã đưa, ngày 5/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã tổ chức Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát tại huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm gồm Châu Sơn, Tây Đằng và Liên Mạc. Đáng chú ý, thời gian đấu giá được kéo dài từ 9 giờ ngày 5/11 xuyên đêm đến khoảng 6 giờ ngày 6/11 với tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến thu về cho ngân sách thành phố lên đến gần 1.700 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Anh Quân cho biết, ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc, Sở đã có văn bản gửi Trung tâm Thông tin điện tử thành phố Hà Nội để đăng tải công khai kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát trên theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 23 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ.

Thời gian đăng tải công khai là 5 ngày. Theo quy chế đấu giá, khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, trong khoảng 10 ngày, các tổ chức, cá nhân được xác định trúng đấu giá 3 mỏ cát phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Trường hợp không hoàn thành đủ nghĩa vụ tài chính sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá, mất số tiền đặt cọc (tổng số tiền đặt cọc đấu giá 3 mỏ là 3 tỉ đồng) và cấm 1 năm không được tham gia các phiên đấu giá.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ nay đến cuối năm, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội tiếp tục tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 2 điểm mỏ cát (3 mỏ cát) trên địa bàn huyện Ba Vì, gồm: Mỏ Cổ Đô 1 và Cổ Đô 2 (xã Cổ Đô, xã Phú Cường). Nếu năm 2023 chưa thực hiện đấu giá hết các khu vực mỏ đã được phê duyệt trên thì sẽ được chuyển sang đấu giá trong thời gian tiếp theo.

Tính đến tháng 9/2022, trên địa bàn Hà Nội có 201 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; trong đó, 77 bãi có thủ tục hoạt động hoặc phù hợp tiêu chí,124 bãi chưa đủ thủ tục hoạt động hoặc không phù hợp tiêu chí. Như vậy, số lượng các bến bãi chưa đủ thủ tục hoạt động còn rất lớn và ít có cải thiện so với khảo sát năm 2020 (246 bãi chứa, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên các tuyến sông thuộc thành phố, trong đó 209 bãi đang hoạt động, 37 bãi dừng hoạt động)...

UBND thành phố Hà Nội đã giao Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận, huyện thị xã xây dựng phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thuộc nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành quý IV/2023.

Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các quy chế phối hợp với các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc trong quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông nhằm phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục