Hạ tầng giao thông Long An vẫn nhiều bất cập

14:43' - 31/03/2019
BNEWS Mặc dù nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng hạ tầng giao thông của Long An vẫn tồn tại nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng.
Cao tốc Trung Lương – Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Bùi Giang – TTXVN

Những năm qua, Long An đã tập trung các nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm và đạt được nhiều kết quả nhất định.

Tuy nhiên, hiện hạ tầng giao thông của Long An vẫn tồn tại nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An có nhiều điều kiện để sản xuất công nghiệp; có vị trí thuận lợi, giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh và là cửa ngõ đi về các tỉnh miền Tây Nam bộ cùng với biên giới, cửa khẩu, cảng sông ra biển...
Phát huy lợi thế, sản xuất công nghiệp Long An có bước phát triển khá ấn tượng. Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp và 22 cụm công nghiệp đang hoạt động; thu hút hơn 1.600 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký trên 184.000 tỷ đồng và 951 dự án FDI với số vốn hơn 6 tỷ USD; thu ngân sách năm 2018 dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với gần 15.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, khi so sánh với các địa phương lân cận như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… thì kết quả đạt được của Long An vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình. Một trong những rào cản ảnh hưởng đến phát triển kinh tế chính là hạ tầng giao thông yếu kém, tồn tại nhiều bất cập.
Ông Trần Văn Cần - Chủ tịch UBND tỉnh Long An chỉ ra một số bất cập cụ thể trong hạ tầng giao thông của Long An.

Cụ thể, các tuyến đường quốc gia đi qua tỉnh kết nối 12 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như cao tốc Bến Lức – Long Thành, Quốc lộ N1… đang triển khai đầu tư nhưng quá chậm.

Các tuyến đường như Quốc lộ 62, Quốc lộ 50, Quốc lộ N1 có quy mô quá nhỏ, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng không đáp ứng yêu cầu, thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt là vào dịp lễ, tết.
Cùng đó, đường Vành đai 3 và 4, đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ mặc dù quy hoạch đã lâu nhưng chưa có kế hoạch và nguồn vốn đầu tư.

Còn tại cụm cảng số V của quốc gia và Cảng Quốc tế Long An thì cửa sông bị bồi lắng chưa được nạo vét, hạn chế tàu thuyền tải trọng lớn ra vào cảng…

Những bất cập về hạ tầng không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn khiến Long An khó thu hút đầu tư.
Ông Phạm Thanh Phong - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Sơn cho biết, nhà đầu tư mong muốn tỉnh phát triển giao thông kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp để tạo thế “liên hoàn”, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các tuyến giao thông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh hoặc đến các cảng biển cũng cần đầu tư xây dựng hoàn thiện để đảm vận tải hàng hóa được xuyên suốt, thuận tiện.
Bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh cần triển khai nhanh, đồng bộ, tạo hình ảnh tốt nhất về hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Long An - ông Phong nhận xét.
Trước những bất cập này, giai đoạn 2015 – 2020, Long An thực hiện chương trình đột phá “huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm” với danh mục đầu tư 14 dự án tuyến giao thông nằm trên địa bàn các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước.
Đồng thời, tỉnh tập trung thực hiện 3 công trình trọng điểm gồm công trình đường tỉnh 830 kết nối với Cảng quốc tế Long An; đường vành đai thành phố Tân An, trục hạ tầng giao thông – đô thị kế nối với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang. Đến nay, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, bước đầu phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, do tiềm lực còn hạn chế, những công trình này chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu trước mắt chứ chưa thực sự trở thành động lực trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần bày tỏ, tỉnh mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm đầu tư các công trình, dự án xóa điểm nghẽn về hạ tầng giao thông nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của Long An cũng như Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong số này, chú trọng bổ sung dự án trục động lực Tp. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang vào quy hoạch phát triển giao thông đường bộ; sớm bố trí nguồn vốn, triển khai thực hiện các dự án quan trọng như tuyến Quốc lộ N1, N2, Quốc lộ 62, đường Hồ Chi Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa; đầu tư xử lý điểm đen trên Quốc lộ 1 để đảm bảo an toàn giao thông.
Tỉnh mong muốn có chủ trương để Long An làm chủ đầu tư dự án đường vành đai 3 và 4 đoạn qua địa bàn theo hình thức đối tác công tư (PPP) và cho phép tỉnh lập quy hoạch xây dựng khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến đường để kêu gọi đầu tư.

Đồng thời, thực hiện lập dự án nạo vét luồng sông Soài Rạp để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào Cảng quốc tế Long An; sửa chữa, nâng cấp một số cầu cống trên địa bàn…
Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ này đang xem xét, nghiên cứu việc phát triển giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; sau đó, sẽ tổ chức họp để các tỉnh, thành phố cùng đóng góp ý kiến và báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, các địa phương cần tổ chức những cuộc họp chung để cùng bàn bạc, tháo gỡ khó khăn; đồng thời, đưa ra những phương án tối ưu để tránh việc mạnh ai nấy làm, tạo sự phát triển đồng bộ.

Các tuyến giao thông lớn không chỉ phục vụ từng địa phương mà phải thực sự trở thành trục động lực cho cả vùng phát triển. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục