Hạ viện Mỹ sắp bỏ phiếu về gói giảm thuế 78 tỷ USD

12:16' - 01/02/2024
BNEWS Hạ viện Mỹ hôm 1/2 đã chuẩn bị bỏ phiếu về gói giảm thuế trị giá 78 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp và gia đình có thu nhập thấp.
Việc thông qua gói này đã được đẩy nhanh, ngay cả khi Quốc hội Mỹ vẫn bế tắc về các vấn đề tài chính rộng lớn hơn.

Biện pháp thuế tạm thời sẽ tăng khoản ưu đãi thuế dành cho chăm sóc trẻ em và khôi phục các khoản khấu trừ cho nghiên cứu, phát triển kinh doanh và đầu tư tư liệu sản xuất đến năm 2025. Gói biện pháp này đã được Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson “bật đèn xanh” sau khi đàm phán với một số thành viên đảng Cộng hòa vốn phản đối việc thiếu các biện pháp giảm thiểu thuế tiểu bang và địa phương (SALT).

 
Biện pháp giảm thuế đang được xem xét cần phải nhận được 2/3 số phiếu tại Hạ viện. Đây là một ngưỡng khó đáp ứng, đặc biệt là khi cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều có những ý kiến phản đối.

Các đảng viên Cộng hòa bảo thủ theo đường lối cứng rắn đã phản đối gói trên dựa vào lập luận rằng, gói biện pháp có thể đưa số tiền mặt mà những người đăng ký nhận ưu đãi thuế chăm sóc trẻ em lên tới 2.100 USD cho mỗi trẻ vào năm 2025 và đẩy tổng chi phí lên tới 33,5 tỷ USD.

Trong khi đó, nghị sĩ Rosa DeLauro thuộc đảng Đảng Dân chủ cho biết dự luật sẽ giảm thuế nhiều hơn cho các tập đoàn trong khi không giải quyết thỏa đáng tình trạng nghèo đói. Bà nói rằng đây là một dự luật ưu đãi thuế doanh nghiệp được ngụy trang dưới dạng trợ giúp cho trẻ em. Trong khi các tập đoàn chỉ phải trả mức thuế 7,8%, một bà mẹ có hai con đang đi làm với mức lương trung bình lại phải trả mức thuế suất liên bang lên tới 20%.

Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, nghị sĩ đảng Cộng hòa Jason Smith vẫn nhấn mạnh lợi ích của việc khôi phục các khoản khấu trừ thuế ngay lập tức được thông qua dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và đã hết hạn vào năm 2022. Ông cũng là người trung gian kết nối cho thỏa thuận kết hợp các ưu tiên về thuế của cả hai đảng.

Ông Smith cho biết những điều khoản ưu đãi này ước tính trị giá 34,3 tỷ USD trong 10 năm. Song chúng sẽ khuyến khích hơn 470 tỷ USD đổ vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cũng như đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và tạo ra hơn 900.000 việc làm.

Dự luật cũng vấp phải một số phản đối vì thiếu sự hỗ trợ đối với thuế tiểu bang và địa phương, cũng như lãi suất thế chấp.

Hồi năm 2017, dự luật cắt giảm thuế do đảng Cộng hòa thông qua đã giới hạn các khoản khấu trừ cá nhân đối với lãi suất thế chấp, cùng các khoản thanh toán thuế cấp tiểu bang và địa phương để giúp chi trả cho việc cắt giảm thuế kinh doanh. Một số nhà lập pháp ở New York và California đã tìm cách loại bỏ những giới hạn này, dẫn đến hóa đơn thuế tổng thể cao hơn đối với nhiều người nộp thuế mặc dù mức thuế thấp hơn.

Bất chấp các ý kiến trái chiều, gói biện pháp này vẫn được tiến hành với tỷ lệ bỏ phiếu 40-3 trong Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, cho thấy sự ủng hộ của lưỡng đảng.

Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 26/1, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của nước này đã tăng trở lại trong tháng 12/2023, song mức lạm phát hàng năm vẫn được duy trì dưới 3% tháng thứ ba liên tiếp.

Chỉ số PCE đã tăng 0,2% trong tháng 12/2023, sau khi giảm 0,1% trong tháng 11. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 12/2023, chỉ số PCE đã tăng 2,6%, tương đương với mức tăng của tháng 11.

Loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, chỉ số PCE lõi đã tăng 0,2% trong tháng 12, sau khi tăng 0,1% trong tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE lõi của Mỹ đã tăng 2,9%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021, sau khi tăng 3,2% trong tháng 11.

Lạm phát chậm lại đang thúc đẩy sức mua của các hộ gia đình, giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ. Chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 66% hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng 0,7% trong tháng 12/2023, sau khi tăng 0,4% trong tháng 11. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu tiêu dùng tổng thể tăng 0,5% trong tháng 12, tương đương với mức tăng của tháng 11.

Về phần mình, Bộ Tài chính Mỹ giảm ước tính về số tiền cần vay trong quý I/2024. Bộ Tài chính Mỹ cho biết ước tính Bộ Tài chính sẽ vay khoảng 760 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 3/2024, giảm so với dự kiến 816 tỷ USD được đưa ra tháng 10/2023. Bộ Tài chính ước tính số dư tiền mặt của cơ quan này vào cuối tháng 3 vẫn giữ ở mức 750 tỷ USD.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, nhu cầu vay thấp hơn do dòng tài chính ròng dự kiến cao hơn và lượng tiền mặt sẵn có vào đầu quý nhiều hơn dự kiến.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã dự kiến số lượng vay sẽ tăng nhẹ do thâm hụt tài chính gia tăng thời gian gần đây. Ngân hàng JPMorgan Chase đã dự đoán con số vay ròng là 855 tỷ USD trong quý I/2024. Tuy vậy, một số chuyên gia khác cho rằng con số dự kiến vay sẽ giảm bớt. Bloomberg Intelligence cho rằng con số vay ròng sẽ khoảng 700 tỷ USD. Bộ Tài chính cho biết trong quý II/2024 sẽ dự kiến vay khoảng 202 tỷ USD và số dư tiền mặt vào cuối quý II vẫn là 750 tỷ USD.

Trong khi đó, số lượng trái phiếu bán ra của các công ty Mỹ tăng mức kỷ lục trong tháng 1/2024. Các công ty có mức vốn hóa thị trường lớn và uy tín cao trên thị trường (blue-chip) đã bán 188,57 tỷ USD trái phiếu ở Mỹ từ đầu tháng 1/2024, trong bối cảnh các công ty tìm cách tận dụng sự sụt giảm của chi phí vay dài hạn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục