Hải Dương: Khắc phục khó khăn do COVID-19, tăng tốc cấp căn cước công dân

18:20' - 28/03/2021
BNEWS Dịch COVID-19 trong thời gian qua khiến “chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chip điện tử tại tỉnh Hải Dương đã gặp không ít khó khăn do triển khai chậm hơn 2 tháng so với các tỉnh, thành phố. 

Hiện, công an Hải Dương đang tập trung dồn lực, chạy đua với thời gian với mục tiêu hoàn thành vượt kế hoạch Bộ Công an giao.

Đảm bảo các biện pháp phòng dịch

Tại trụ sở bộ phận Một cửa của Ủy ban Nhân dân thị xã Kinh Môn, hiện mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt người đến để làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chip. Khu vực sân được dựng bạt, xếp nhiều hàng ghế, đảm bảo giãn cách. Người dân sau khi lấy số thứ tự, ngồi chờ đến lượt đọc tên mình để vào làm.

Anh Lê Trọng Lâm, xã Lê Ninh, thị xã Kinh Môn vui vẻ chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, số người đến đông nhưng công an Kinh Môn đã làm bố trí sắp xếp khoa học, từ tuyên truyền đến cho nhân dân đến việc tổ chức, hướng dẫn người dân. Thời gian làm rất nhanh gọn, thái độ phục vụ của các đồng chí cán bộ niềm nở, tận tình. Tôi thấy đây là một cố gắng rất lớn của lực lượng Công an”.

Việc triển khai cấp căn cước công dân tại Kinh Môn bắt đầu từ ngày 7/3. Thời gian này, do hình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp nên thị xã Kinh Môn là 1 trong 4 huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch COVID-19.

Sau đó mấy hôm, một số khu vực trong thị xã do phát sinh ca mắc mới nên phải tái thiết lập tình trạng phong tỏa theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Công tác cấp căn cước những ngày đầu khó khăn, số lượng hồ sơ nhận được không nhiều. Bên cạnh đó, máy nhận vân tay rất lâu khiến công việc chậm tiến độ. Tuy nhiên, sau đó, công an thị xã Kinh Môn đã chuyên nghiệp hóa từng bộ phận và lượng hồ sơ giải quyết được ngày càng tăng.

Trung tá Bùi Hữu Hạnh, Phó Trưởng Công an thị xã Kinh Môn chia sẻ: “Nhằm đảm bảo hiệu quả công việc trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch, ngay từ khi bắt đầu triển khai chiến dịch cấp căn cước công dân, chúng tôi đã phải cử lực lượng làm trật tự, thông báo trên loa, đặt các ghế theo quy định, bắc rạp cho công dân ngồi chờ. Cán bộ thường xuyên nhắc nhở công dân giãn cách và chấp hành các quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Do hàng ngày lượng người dân đến rất đông nên kết thúc các ca làm việc, chúng tôi đều tiến hành phun khử khuẩn tại khu vực tiếp dân để đảm bảo an toàn cho cả cán bộ và mọi người dân an tâm”.

Có những ngày đông người dân đến lấy số thứ tự từ sáng, công an thị xã Kinh Môn đã thông báo thời gian dự kiến đến lượt để người dân chủ động công việc, tránh mất công chờ đợi. Vì thế, nhiều người lấy số xong vui vẻ quay về và chiều hoặc tối mới quay lại, giúp giảm bớt số lượng ngồi chờ tại khu vực làm căn cước.

Trong thời gian này toàn tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg, người dân được khuyến khích đăng ký với dịch vụ Bưu điện VNPT để khi hoàn thành căn cước, sẽ được bưu điện chuyển về tận nhà, giảm thời gian đi lại, hạn chế tiếp xúc, giúp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Tương tự, tại địa điểm làm căn cước Công an thành phố Chí Linh, việc cấp căn cước được tiến hành trong bối cảnh thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Trung tá Nguyễn Quang Đạt, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Chí Linh cho biết: “Đơn vị cắt cử cán bộ thường trực hướng dẫn và nhắc nhở người dân khi đến làm căn cước thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế”.

Bà Trịnh Anh Đào, phố Hữu Nghị, phường Thái Học 2, thành phố Chí Linh nhận xét: “Các đồng chí công an hướng dẫn chu đáo, quy trình thủ tục nhanh. Trước khi đến, người dân chúng tôi đã được tuyên truyền ở khu dân cư nên đến nơi không mất nhiều thời gian tìm hiểu, làm nhanh. Chúng tôi cũng tuân thủ đeo khẩu trang, giãn cách, không tụ tập, làm xong về ngay”.

Chạy đua với thời gian, tranh thủ từng giây, từng phút

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến “chiến dịch” cấp căn cước công dân tại Hải Dương triển khai chậm hơn các tỉnh, thành phố khác và có lúc, có nơi bị gián đoạn vì phải thực hiện giãn cách xã hội. Hiện nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Công an tỉnh Hải Dương đang dồn lực, tăng tốc thực hiện nhiệm vụ này với nguyên tắc “đông, dễ làm trước; ít, khó làm sau; ban ngày làm xa, ban đêm làm gần; tập trung trước, phân tán sau”.

Theo Thượng tá Phạm Chiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hải Dương, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hải Dương và công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đang tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; tiến hành 3 ca làm việc trong ngày, từ 7 giờ đến 23 giờ tất cả các ngày trong tuần. Bên cạnh các điểm cố định còn thành lập nhiều tổ lưu động.

Các thông tin, hướng dẫn về địa điểm, trình tự làm thủ tục căn cước được thông báo trên loa truyền thanh, các trang thông tin điện tử và zalo Công an tỉnh… Trụ sở ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thôn nhiều nơi được trưng dụng làm địa điểm để cấp căn cước lưu động cho nhân dân.

“Để đảm bảo tiến độ, không cách nào khác là phải tăng thời lượng tiếp công dân. Trong điều kiện máy móc có hạn, thời gian thu nhận đã mặc định, chúng tôi phải tranh thủ từng giây từng phút, tiết kiệm thời gian nhất, tiếp được nhiều công dân nhất với mục tiêu vừa đảm bảo số lượng còn phải đảm bảo về chất lượng đối với các hồ sơ. Chúng tôi động viên anh em khắc phục khó khăn, với phương châm còn người dân đến làm là còn phục vụ. Có hôm khi xong, anh em về nghỉ ngơi đã gần 3 giờ sáng”, Trung tá Bùi Hữu Hạnh cho biết.

Tại thị xã Kinh Môn, cùng với tổ phục vụ tại địa điểm Một cửa của Ủy ban Nhân dân thị xã, còn 1 tổ lưu động phục vụ tại các xã, phường. Mỗi tổ 7 hoặc 8 cán bộ, chiến sĩ phụ trách. Theo Trung tá Hạnh, với tinh thần này, Công an Kinh Môn tự tin có thể hoàn thành vượt tiến độ được giao với chỉ tiêu cấp hơn 77.600 căn cước công dân. Tính đến ngày 28/3, công an thị xã Kinh Môn đã tiếp nhận 18.519 hồ sơ.

Tương tự, Công an thành phố Chí Linh cũng đã tăng cường nhân lực và phương tiện, bổ sung tổ lưu động để thực hiện nhiệm vụ cấp thẻ căn cước cho người dân những địa bàn xa. Trung tá Nguyễn Quang Đạt cho biết: “Hiện có 37 cán bộ, chiến sĩ phục vụ cho việc cấp căn cước, tăng gấp đôi quân số so với thời điểm thông thường. Tính đến ngày 28/3, Công an thành phố Chí Linh đã tiếp nhận 19.490 hồ sơ. Đơn vị đặt mục tiêu sẽ hoàn thành chỉ tiêu 106.980 hồ sơ trước ngày 15/6, vượt tiến độ 10 ngày so với kế hoạch dự kiến”.

Hài lòng về cách triển khai, phục vụ nhân dân tại các điểm cấp căn cước là cảm nhận của nhiều người dân khi đến làm thủ tục. Ông Bùi Văn Hồng, ở Tân Dân, thị xã Kinh Môn chia sẻ: “Tôi thấy việc cấp thẻ căn cước gắn chip có rất nhiều lợi ích cho người dân sau này. Vì thế khi công an triển khai tôi đã đi làm ngay. Đến đây tôi thấy quy trình bài bản, nhanh gọn”.

Công an tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu thu nhận 1.020.901 hồ sơ cấp căn cước công dân, xong trước ngày 25/6, vượt chỉ tiêu được giao và vượt tiến độ 5 ngày so với kế hoạch của Bộ Công an.

Thượng tá Phạm Chiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hải Dương cho biết: “Với mục tiêu đặt ra, Ban Giám đốc công an tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an các huyện, thị xã, thành phố xác định đây là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng nên lực lượng quản lý hành chính công an các địa phương đang hết sức cố gắng, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt chỉ tiêu được giao”.

Để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng công an, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được tác dụng của việc chuyển đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip. Sự hưởng ứng, phối hợp của người dân là yếu tố quan trọng để việc chuyển đổi đạt được thành công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục