Hải Dương: “ Nóng” vấn đề ô nhiễm môi trường và khai thác cát trái phép

13:58' - 13/12/2017
BNEWS Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn do rác thải và tình trạng khai thác cát trái phép, gây bức xúc trong nhân dân đã được chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVI .
Chiếc tàu khai thác cát trái phép bị lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn và thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVI diễn ra từ ngày 11 đến 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh bày tỏ lo lắng trước tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn do rác thải và tình trạng khai thác cát trái phép, gây bức xúc trong nhân dân.

Cử tri ở các huyện Ninh Giang, Nam Sách, Kinh Môn, Thanh Hà… lo lắng trước tình trạng quá tải các bãi rác ở khu vực nông thôn. Việc thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn ở Hải Dương vẫn gặp không ít khó khăn do cơ chế khuyến khích, hỗ trợ công tác này còn chưa cụ thể, chưa tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung.

Kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho thu gom, xử lý rác thải, thù lao cho người thu gom rác thải còn thấp, phí vệ sinh môi trường không đáp ứng nhu cầu chi phục vụ thu gom rác… Cùng với đó, rác thải chưa được phân loại tại nguồn nên việc lựa chọn công nghệ xử lý còn khó khăn.

Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác thải chủ yếu là thủ công, người thu gom không được hỗ trợ bảo hiểm y tế, hầu hết là lao động thời vụ…

Chính những bất cập này khiến ở nhiều nơi việc thu gom rác chỉ tiến hành 1 lần/tuần, thậm chí có nơi 1 tháng mới tiến hành thu gom dẫn đến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm nguồn nước ngầm và ô nhiễm không khí. Đây là một trong những nguy cơ cao dẫn đến bệnh tật cho người dân chịu ảnh hưởng.

Trước tình trạng này, các đại biểu HĐND cho rằng phải xây dựng các nhà máy xử lý rác thải chứ không thể tiến hành chôn lấp rác như hiện nay. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; tạo cơ chế để thu hút các dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung, nhất là các dự án có công nghệ hiện đại, phù hợp với địa phương.

Ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho biết: Hiện, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn ở Hải Dương khoảng 657,7 tấn/ngày, đêm; trong đó, rác thải có thể tái chế như nhựa, giấy bìa, thủy tinh, kim loại, nhựa … chiếm 26%.

Việc xử lý rác thải tại khu vực nông thôn thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp. Rác thải phát sinh trong sản xuất nông nghiệp như vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom hoặc mới chỉ thu gom tạm vào các bể chứa, chưa được xử lý triệt để. Tỉnh Hải Dương đã thành lập được 1.152 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; trong đó có 1.130 tổ đội thu gom, 14 hợp tác xã và 8 công ty.

Tỉnh đã và đang đầu tư 3 lò đốt rác thải sinh hoạt với tổng công suất 8,5 tấn/giờ. Tỉnh cũng đang tiếp tục hỗ trợ 44 xã xây dựng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh với tổng kinh phí 22 tỷ đồng, nâng tổng số xã được hỗ trợ kinh phí xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh lên thành 156 xã, 3 phường và 5 thị trấn với tổng số bãi chôn lấp hợp vệ sinh là 179 bãi...

Các đại biểu ở huyện Tứ Kỳ, Nam Sách, Chí Linh cũng bày tỏ bức xúc về tình trạng khai thác cát trái phép, gây ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (huyện Tứ Kỳ), hiện các lòng sông trên địa bàn tỉnh đã rất sâu, việc khai thác cát trái phép cộng với thay đổi dòng chảy đã khiến nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở ngoài đê sạt lở.

Các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh; trong khi đó lực lượng chức năng tại các địa phương lại thiếu phương tiện để tuần tra, kiểm soát trên sông.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm đề nghị, để xử lý tình trạng này, các cơ quan chức năng cần kiểm tra gắt gao ngay từ khi cho đăng ký, đăng kiểm các phương tiện tàu, thuyền và kiểm tra nguồn gốc cát tại các bến bãi và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Hải Dương cũng đã thông qua 16 nghị quyết về các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội; thu, chi ngân sách của tỉnh trong năm 2018; Nghị quyết về số lượng biên chế trong các cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập; chế độ chính sách đối với cán bộ ở thôn, khu dân cư …

Năm 2018, Hải Dương phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên; tổng thu ngân sách đạt trên 14.000 tỷ đồng; có thêm 30 xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 1%, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,5% so với năm 2017./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục