Hải Dương sớm ban hành danh mục các dự án nhà ở xã hội để hút đầu tư

11:05' - 02/11/2023
BNEWS Hải Dương giao Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương sớm rà soát, tiến độ triển khai để công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Sáng 2/11, tại phiên họp thường kỳ tháng 11 (lần 1) do UBND tỉnh Hải Dương tổ chức, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đề nghị, đối với các dự án khu nhà ở xã hội đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng cần đưa ra các quy trình triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát và phối hợp với các địa phương sớm hình thành quỹ đất, xây dựng quy hoạch, thiết kế chi tiết, chuẩn bị mặt bằng, công năng… của các tòa nhà ở xã hội để hình thành dự án và tiến hành kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư.

 

Các địa phương rà soát và báo cáo tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn để báo cáo UBND tỉnh Hải Dương trong thời gian sớm nhất trước khi tiến hành công bố danh mục để thu hút đầu tư.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương Nguyễn Hải Châu, giai đoạn 2023-2030, Hải Dương dự kiến thu hút đầu tư đối với một số dự án nhà ở xã hội ở một số địa phương trên địa bàn như: thành phố Hải Dương, Chí Linh và huyện Cẩm Giàng.

Các dự án gồm: Khu nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (Eco Rivers), Khu nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Phú Quý (Golden Land)-giai đoạn 1, Khu nhà ở xã hội thuộc Dự án khu dân cư Ngọc Châu; Khu nhà ở xã hội thuộc dự án khu đô thị mới phía Đông của thành phố Chí Linh, Khu nhà ở xã hội thuộc dự án khu dân cư Trái Bầu, Khu nhà ở xã hội thuộc Khu trung tâm phường Phạm Ngũ Lão thuộc thành phố Hải Dương…. với tổng diện tích mỗi khu nhà ở xã hội từ 0,49ha đến trên 6ha.

Hiện UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định phê duyệt “Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương giai đoạn năm 2022 – 2030, định hướng đến năm 2045” vào đầu năm 2022.

Theo đó, đến năm 2030, Hải Dương đặt ra mục tiêu về phát triển nhà ở với diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 35,5 m2 sàn/người. Tổng diện tích sàn nhà ở đạt trên 99 triệu m2; diện tích sàn nhà ở tăng thêm trên 44 triệu m2.

Trong đó, nhà ở dạng chung cư sẽ tiến hành xây dựng mới trên 251.000 m2 sàn nhà ở. Đối với các nhóm đối tượng xã hội sẽ tiến hành xây dựng mới trên 335.000 m2 sàn nhà ở tái định cư; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng và hộ nghèo; xây dựng trên 1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội gồm trên 295.000 m2 sàn nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị và trên 766.000 m2 sàn nhà ở cho công nhân.

Về chất lượng nhà ở, Hải Dương đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 99%, nhà ở bán kiên cố đạt 1%, xóa bỏ nhà thiếu kiên cố. Tổng diện tích đất ở tối đa được phép phát triển đến năm 2030 của các địa phương là khoảng trên 2.368 ha. Trong đó các dự án động lực cấp vùng có diện tích đất ở là khoảng trên 749 ha.

Đến năm 2045, Hải Dương phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh khoảng 37,0 m2 sàn/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 100%; phát triển đồng bộ các loại hình nhà ở đáp ứng cho nhu cầu của xã hội.

Tính đến năm 2020, diện tích bình quân nhà ở toàn tỉnh Hải Dương ước đạt 28 m2 sàn/người, tương đương với tổng diện tích nhà ở của tỉnh là 53,67 triệu m2 sàn. Đối với khu vực đô thị, diện tích nhà ở bình quân ở Hải Dương đạt 32,3 m2 sàn/người. Đối với khu vực nông thôn, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 26 m2 sàn/người.

Trong giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 2 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị với tổng diện tích sàn là 43.379 m2. Đối với nhà ở cho công nhân, Hải Dương có 2 khu công nghiệp đã xây dựng tòa nhà chung cư cho công nhân với tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 11.000 m2 nhưng không thu hút được công nhân vào ở.

Hiện nay, nhà ở của tỉnh Hải Dương vẫn bộc lộ nhiều bất cập như: hiệu quả sử dụng đất đô thị chưa cao, chủ yếu phát triển đất nền tại các dự án. Việc phát triển dự án nhà ở thương mại hiện nay chủ yếu theo hình thức phân lô bán nền, chưa tạo được sản phẩm chính là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Giá đất nền tại các khu đô thị đa phần còn cao so với khả năng của phần lớn người dân có nhu cầu, các giao dịch chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu tư với các nhà đầu tư thứ cấp với mục đích đầu cơ kinh doanh, dẫn đến tình trạng đất nền chưa xây dựng nhà ở, đất nền tồn kho tại các dự án có tỷ lệ khá cao. Tại các dự án, chủ yếu là loại hình nhà ở chia lô với mật độ xây dựng trung bình là 80%, chiều cao từ 3-4 tầng; các công trình cao tầng chiếm tỷ lệ thấp…

Tại một số khu vực đô thị cũ, mật độ dân cư ngày càng đông trong khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng, không tương thích với nhu cầu phát triển nhà ở, dẫn đến việc ô nhiễm môi trường sống, mất mỹ quan đô thị, gây ách tắc giao thông.

Chất lượng nhà ở giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn phát triển chưa đồng đều. Việc phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp nói chung ở khu vực đô thị tuy đã có nhiều chủ trương, chính sách của nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhưng chưa tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục