Hai miền Triều Tiên ấn định ngày đàm phán tiếp theo

10:17' - 16/01/2018
BNEWS Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán về việc Bình Nhưỡng tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 vào ngày 17/1 tới.
Bộ trưởng Thống nhất, Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (phải) và Chủ tịch Ủy ban thống nhất Hòa bình Triều Tiên (CPRK), Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên, Ri Son-gwon (trái) tại cuộc đàm phán cấp cao liên Triều ở làng đình chiến Panmunjom ngày 9/1. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo thông báo gồm 5 điểm công bố cuối buổi đàm phán cấp chuyên viên tại làng đình chiến Panmunjom diễn ra cùng ngày, hai bên đã thống nhất về việc Triều Tiên sẽ cử một đoàn nghệ thuật gồm 140 người đến tham gia trình diễn tại Olympic mùa Đông PyeongChang 2018. Triều Tiên cũng sẽ sớm cử đoàn khảo sát tới Hàn Quốc để kiểm tra công tác chuẩn bị cho buổi biểu diễn.

Hai bên cũng thống nhất tiếp tục cuộc đàm phán cấp thứ trưởng vào ngày 17/1 tại nhà Hòa Bình ở Panmunjom. Triều Tiên dự định cử đoàn gồm 3 người do Phó Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất Hòa bình Jon Jong Su dẫn đầu trong khi đoàn Hàn Quốc cũng bao gồm 3 thành viên do Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae Sung làm trưởng đoàn.

Theo kế hoạch, tại cuộc đàm phán này, hai miền Triều Triều Tiên sẽ tiếp tục thảo luận những vấn đề cụ thể liên quan việc đoàn đại biểu của Bình Những tham dự Thế vận hội như thành lập chung đoàn trượt băng nghệ thuật nữ, chi phí lưu trú cho đoàn Triều Tiên, đường nhập cảnh Hàn Quốc...

Hàn Quốc hy vọng tổng số người Triều Tiên cử tới tham dự Olympic PyeongChang 2018 sẽ từ khoảng 400 đến 500 người. Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ có cuộc họp với Ủy ban Olympics Quốc tế (OIC) tại Lausanne, Thụy Sĩ vào ngày 20/1 tới để thảo luận về việc tham dự Olympics Mùa Đông PyeongChang 2018.

Trong khi đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết nhiều khả năng cuộc hội đàm quân sự giữa hai miền sẽ diễn ra vào cuối tháng này để thảo luận những vấn đề liên quan đảm bảo an toàn cho đoàn Triều Tiên nhập cảnh Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng đã yêu cầu sử dụng đường bộ qua biên giới hai miền tại làng đình chiến trong khi Hàn Quốc đồng ý đảm bảo an toàn và tiện nghi cho đoàn biểu diễn. Nếu được diễn ra, đây là cuộc hội đàm quân sự giữa hai miền lần thứ 5 vốn bị gián đoạn 25 tháng trước đó.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng hội nghị do Mỹ đồng chủ trì tại Canada ngày 16/1 nhằm gây sức ép với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên sẽ vô nghĩa và không có tác dụng nếu không có sự tham dự của Nga và Trung Quốc.

Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề Mỹ tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải (Trung Quốc), ông Ngô Tâm Bách  nhận định Washington có thể đã lường trước nếu Nga và Trung Quốc tham dự hội nghị sẽ đưa tới một kịch bản khác mà Mỹ gần như không thể kiểm soát.

Theo ông Ngô, với việc tổ chức hội nghị trên, Mỹ muốn cho thấy quyết tâm kiềm chế Triều Tiên bằng biện pháp quân sự. Trong khi đó, chuyên gia Lã Siêu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh (Trung Quốc) cho rằng hội nghị nêu trên không nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên.

Hội nghị tại Canada do Mỹ đồng chủ trì được coi là diễn đàn để kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm cách mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Theo một nguồn tin Chính phủ Canada ngày 15/1, hội nghị cấp cao về kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên này sẽ một phần nào đó tập trung vào việc đảm bảo các quốc gia thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nếu thiếu sự đồng thuận của Nga và Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt sẽ không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua.

Bất cứ hành động trừng phạt nào không thông qua HĐBA LHQ sẽ chỉ khiến tình hình thêm nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc gần đây đã có một số diễn biến tích cực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục