Hải Phòng: Nguồn nước phục vụ sản xuất nước sạch ngày càng ô nhiễm

18:42' - 30/10/2019
BNEWS Sông Rế thuộc hệ thống thủy lợi An Kim Hải, cung cấp khoảng 80% lượng nước thô phục vụ sản xuất nước sinh hoạt cho thành phố Hải Phòng đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Sông Rế có chiều dài khoảng 65km, đi qua hai huyện Kim Thành (Hải Dương) và An Dương (Hải Phòng). Hiện sông Rế cấp nước thô cho Nhà máy nước An Dương (công suất 140.000 m3/ngày), Nhà máy nước Vật Cách (17.000 m3/ngày). Tuy nhiên, nguồn nước sông Rế đang ngày càng ô nhiễm. Các chỉ tiêu về Amoni, Nitrit, nhiều thời điểm vượt quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước mặt để sản xuất nước sinh hoạt.
Kết quả phân tích mẫu nước sông Rế lấy ngày 16/10/2019 của Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi An Hải (đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi An Kim Hải) cho thấy, các chỉ tiêu Amoni và Nitrit đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép và tăng cao từ phía cống An Trì về trạm bơm Quán Vĩnh.

Cụ thể, chỉ số Permanganat đo được là 8,86mg/L (tiêu chuẩn cho phép không quá 5,26%); chỉ số Amoni (N) đo được 4,60mg/L (chỉ số cho phép không vượt quá 0,30mg/L); chỉ số Mangan là 0,272 (chỉ số cho phép không vượt quá 0,200mg/L).
Theo kết quả khảo sát ngày 22/10 của Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi An Hải, sông Rế đoạn trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang tồn tại ba “điểm đen” gây ô nhiễm. Khu vực thứ nhất là cửa kênh An Trì, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng.

Kênh này tiếp nhận nước thải từ khu dân cư, các doanh nghiệp và Bệnh viện Giao thông vận tải dọc Quốc lộ 5, đường 351 trên địa bàn xã Bắc Sơn, Nam Sơn (huyện An Dương) và phường Hùng Vương (quận Hồng Bàng). Khu vực thứ hai nằm trên đoạn cửa xả mương thoát nước thôn Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn, huyện An Dương.

Tuyến mương này tiếp nhận nước thải của khu dân cư và một số doanh nghiệp tại thôn Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn. Khu vực thứ ba là kênh Hỗ Đông, thuộc xã Hồng Phong, huyện An Dương. Đây là tuyến kênh thủy lợi tiếp nhận nước thải từ khu dân cư của các thôn Hà Đậu, Hỗ Đông, xã Hồng Phong. Nước chảy ra sông Rế có mùi hôi thối, đen quánh.
Ngoài ra, Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, các doanh nghiệp dọc Quốc lộ 5 cạnh kênh Kim Xá, xã Lê Thiện, huyện An Dương và trại chăn nuôi trên địa bàn các xã Hồng Phong, Lê Thiện, khu vực bãi rác, trại chăn nuôi, nước thải dân cư tại huyện Kim Thành (Hải Dương)…cũng là nguồn gây ô nhiễm cho khu vực sông Rế.
Theo ông Trần Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng, mức độ ô nhiễm của sông Rế đang gia tăng từng năm. Việc gia tăng ô nhiễm nguồn nước thô khiến chi phí sản xuất nước sạch cũng tốn kém theo. Để bảo đảm nhiệm vụ cấp nước sạch cho nhân dân, Công ty đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi An Hải tăng cường xử lý các nguồn gây ô nhiễm và có biện pháp xử lý khi sự cố bất ngờ xảy ra.
Đối với các nguồn, điểm gây ô nhiễm, Công ty đã đề nghị cùng Công ty Trách nhiệm hữu Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi An Hải xác định biện pháp xử lý phù hợp. Ví dụ như, việc các hộ dân ven sông khu vực thị trấn An Dương xả thẳng nước thải ra sông Rế, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi An Hải sẽ có hướng xây dựng hệ thống gom nước thải, cho qua xử lý trước khi xả ra sông.
Ông Trần Việt Cường cũng cho biết thêm, Công ty đã xác định được một số sự cố có thể xảy ra và phương án xử lý như: Sự cố tràn dầu do khu vực thôn Mỹ Tranh, xã Nam Sơn, có tuyến đường ống xăng dầu đi gần bờ sông Rế; sự cố về nước thải của các khu, cụm công nghiệp; sự cố về hóa chất từ các doanh nghiệp có lưu trữ, sử dụng hóa chất trên lưu vực sông Rế; sự cố về xăng dầu, hóa chất từ tai nạn giao thông đường bộ hoặc cố ý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục