Hải quan Bỉ kiện 3 công ty nội địa xuất khẩu hóa chất cấm tới Syria

08:02' - 19/04/2018
BNEWS Ba công ty của Bỉ đang đối mặt với một vụ kiện do bị cáo buộc xuất khẩu sang Syria một hóa chất có thể được sử dụng để chế tạo chất độc thần kinh gây chết người sarin...
Hải quan Bỉ kiện 3 công ty nội địa xuất khẩu hóa chất cấm tới Syria. Ảnh: reuters

Ba công ty của Bỉ đang đối mặt với một vụ kiện do bị cáo buộc xuất khẩu sang Syria một hóa chất có thể được sử dụng để chế tạo chất độc thần kinh gây chết người sarin, một hành động được cho vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Tài chính Bỉ Florence Angelici ngày 18/4 xác nhận các cơ quan hải quan Bỉ đã kiện Công ty hóa chất AAE Chemie, Công ty vận tải Danmar Logistics và Công ty Anex Customs, do tình nghi ba thực thể này xuất khẩu sang Syria và Liban loại chất dễ cháy không màu isopropanol mà không kê khai vào danh mục vận chuyển.

Dù có nhiều tác dụng vô hại như làm dung môi, hay chất tẩy rửa, nhưng isopropanol vẫn bị liệt vào danh mục các mặt hàng chịu sự kiểm soát xuất khẩu ngặt nghèo, do khi được cô đặc tới 95% hoặc cao hơn nữa, dung dịch này có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hóa học, trong đó có sarin.

Đây là chất độc thần kinh mà Liên hợp quốc và phương Tây cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng như một vũ khí hóa học, điều chính quyền Syria hoàn toàn bác bỏ.

Với vai trò là tờ báo đầu tiên đăng tải công khai thông tin trên, tuần báo Knack của Bỉ cho rằng tổng cộng 168 tấn isopropanol đã được chuyển từ Bỉ tới Syria và Liban trong khoảng thời gian từ giữa năm 2014 tới cuối năm 2016.

Phản ứng trước thông tin này, ba công trên nhấn mạnh họ không nắm được rằng các quy định xung quanh hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng đã thay đổi vào năm 2013, đồng thời khẳng định các khách hàng của mình đều là những công ty tư nhân sản xuất sơn và véc-ni.

Các cơ quan hải quan Bỉ đâm đơn kiện trên trong bối cảnh phương Tây cáo buộc chính quyền Syria sử dụng chất độc thần kinh sarin trong cuộc tấn công hóa học nhằm vào thị trấn Douma, gần thủ đô Damacus, hồi đầu tháng này.

Vụ việc trở thành cái cớ để liên quân Mỹ, Anh, Pháp tiến hành hàng loạt cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu nghi sản xuất hoặc tàng trữ vũ khí hóa học tại Syria.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục