Hàn Quốc áp dụng một loạt biện pháp kiểm dịch mới

09:57' - 14/07/2022
BNEWS Hàn Quốc công bố một loạt biện pháp kiểm dịch nhằm đối phó với sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 mới do biến thể BA.5 của Omicron.

Chính phủ Hàn Quốc ngày 13/7 đã công bố một loạt biện pháp kiểm dịch nhằm nỗ lực đối phó với sự bùng phát trở lại của các ca mắc COVID-19 mới do biến thể BA.5 của Omicron rất dễ lây lan vốn được cho là sẽ sớm trở thành chủng vi khuẩn thống trị ở quốc gia này.

Đây là những biện pháp liên quan đến đại dịch đầu tiên được đưa ra bởi chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol với cam kết thực hiện các chính sách kiểm dịch dựa trên dữ liệu khoa học. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế sở tại cũng bày tỏ nghi ngờ về việc liệu các biện pháp này có hiệu quả trong việc kiềm chế làn sóng lây nhiễm mới được dự đoán sẽ lên tới khoảng 200.000 ca/ngày vào giữa tháng 9 tới.

Cùng ngày, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã quyết định giảm độ tuổi đủ điều kiện tiêm liều vaccine thứ tư từ mức 60 tuổi hiện tại xuống 50 tuổi. Ngoài ra, những người mắc các bệnh nền từ 18 tuổi trở lên cũng đủ điều kiện tiêm liều thứ hai tăng cường. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc không khôi phục các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt làm mất cân bằng xã hội như giới hạn về giờ hoạt động của các cơ sở đa dụng hoặc số lượng người tại các cuộc tụ tập riêng tư như trước đây.

Theo Ủy viên KDCA Peck Kyeong-ran, “Xem xét khả năng lây truyền cao của chủng BA.5, từ quan điểm trở lại trạng thái bình thường, cũng như về khía cạnh chấp nhận của công chúng, chúng tôi tin rằng các biện pháp tạo khoảng cách xã hội, nếu được áp dụng trở lại cũng không có tác dụng trong việc hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, chúng tôi có thể xem xét áp dụng lại một phần có sự điều chỉnh nếu tỷ lệ tử vong do COVID-19 tăng lên”.

Tuy nhiên, các biện pháp mới được công bố đã khiến một số chuyên gia y tế sở tại phải lưu tâm. Chon Eun-mi, một chuyên gia về bệnh hô hấp tại Bệnh viện Mokdong thuộc Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc) cho rằng việc giảm giới hạn độ tuổi của lần tiêm nhắc lại thứ hai là không cần thiết.

Bà nói: “Thật khó hiểu tại sao chính phủ lại mở rộng đợt tiêm chủng thứ 4 cho những người ở độ tuổi 50 khi tỷ lệ tử vong ở nhóm tuổi đó gần bằng 0”. Theo dữ liệu mới nhất của KDCA, con số này là 0,04%, thấp hơn so với tỷ lệ tử vong trên tổng dân số là 0,13%.

Bà cho biết: “Mặc dù vaccine đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng hoặc tử vong nhưng cũng không phải là thuốc chữa bách bệnh. Về cơ bản, 5 biến thể phụ của Omicron về cơ bản đều tránh được các kháng thể được tạo ra bởi các loại vaccine hiện có hoặc do nhiễm trùng. Theo đó, ngay từ thời điểm này Chính phủ Hàn Quốc nên tích cực sử dụng các phương pháp điều trị kháng virus hơn để ngăn chặn các nhóm dễ bị tổn thương rơi vào tình trạng nguy kịch, thay vì trông chờ vào các loại vaccine sẵn có để bảo vệ họ.

Kim Woo-joo, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Guro thuộc Đại học Korea cho biết: “Thay vì mở rộng độ tuổi đủ điều kiện cho liều thứ tư, các nhà chức trách nên đưa ra các biện pháp để tăng tỷ lệ tiêm chủng ở người già trên 60 tuổi, những người chiếm hơn 90% các trường hợp nguy kịch và tử vong”. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường năng lực xét nghiệm, vốn đã giảm đáng kể kể từ tháng 2 vừa qua khi chính phủ giới hạn chỉ miễn phí các xét nghiệm PCR cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương. Hơn nữa, sự vắng mặt của bộ trưởng y tế vẫn là một vấn đề lớn trong việc thực hiện linh hoạt các biện pháp ứng phó đại dịch”.

Các biện pháp mới được đưa ra số lượng ca mắc COVID-19 mới hàng ngày ở Hàn Quốc đã chạm ngưỡng 40.000 ca trong hai ngày liên tiếp và cũng là mức cao nhất trong 2 tháng qua. Giới chuyên gia dự báo số ca mắc mới hàng ngày có thể tăng lên đến 200.000, với 1.450 bệnh nhân nặng và 150 ca tử vong liên quan đến COVID-19 vào giữa tháng 9./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục