Hàn Quốc có dấu hiệu khủng hoảng điện năng

11:03' - 20/07/2021
BNEWS Theo Giáo sư Huh Sung-yoon, đại học Khoa học & Công nghệ quốc gia Seoul, Hàn Quốc chưa ở tháng nóng nhất trong năm nhưng lượng điện dự trữ đã giảm còn gần 10%. Đây là dấu hiệu khủng hoảng điện năng.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, giới chức Hàn Quốc ngày 20/7 cho biết đang nỗ lực phối hợp để đảm bảo nguồn cung điện ổn định khi lượng điện dự trữ của nước này được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong bối cảnh đợt nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày qua.

Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng (MOTIE), nguồn cung cấp điện của Hàn Quốc ở mức 97,2 GW trong tuần này, tương đương 98 GW của năm 2020, song nhu cầu điện tối đa của Hàn Quốc ước tính là 93,2 GW, cao hơn mức 89,1 GW của năm 2020.

Lượng điện dự trữ của Hàn Quốc đã giảm gần 10% vào tuần trước, ghi nhận mức thấp nhất của mùa là 10,1% vào ngày 13/7 vừa qua và khả năng cung cấp giảm còn 8,8 GW. Tỷ lệ dự trữ dưới 10% hoặc công suất còn lại dưới 10 GW được coi là "bất thường".

Mùa Hè năm 2020, Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận lượng điện dự trữ ở ngưỡng 10 GW vào ngày 25/8. MOTIE dự báo lượng dự trữ điện của Hàn Quốc có thể sẽ giảm xuống mức thấp nhất là 4 GW do nhiệt độ tăng cao và sự phục hồi của nền kinh tế sau tác động không nhỏ của đại dịch COVID-19.

MOTIE cũng thừa nhận "tình hình là đáng lo ngại" và cho biết nhu cầu điện có thể tăng lên 94 GW vào tuần thứ tư của tháng Bảy. Điều này có thể làm giảm tỷ lệ điện dự trữ xuống mức báo động là 4,2%, hoặc công suất dự trữ chỉ còn 4 GW.

Nếu dự báo này là đúng, khi lượng điện dự trữ giảm dưới 5,5 GW Hàn Quốc sẽ phải đưa ra cảnh báo về tình trạng thiếu điện. Đây cũng là lần đầu tiên sau 8 năm kể từ tháng 8/2013 Hàn Quốc sẽ phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng mất điện.

"Xứ Kim chi" đã phải trải qua thời kỳ thiếu điện lớn nhất vào tháng 9/2011 khi 7,5 triệu hộ gia đình bị cắt điện và thiệt hại 6,2 tỷ won (5,43 triệu USD) do các doanh nghiệp và nhà máy phải đóng cửa.

Theo Giáo sư Huh Sung-yoon thuộc khoa Chính sách năng lượng của đại học Khoa học & Công nghệ quốc gia Seoul, "Hàn Quốc hiện chưa ở vào tháng nóng nhất trong năm (thường là tháng Tám) nhưng lượng điện dự trữ đã giảm còn gần 10%.

Đây thực sự là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng điện năng và chúng tôi không loại trừ khả năng mất điện trong những ngày tới" bởi theo dự báo thời tiết từ Cơ quan thời tiết quốc gia Hàn Quốc, nhiệt độ ở nước này dự kiến có thể lên tới 36 độ C trong tuần cuối tháng Bảy này.

Giới chuyên gia cho rằng chính sách loại bỏ điện hạt nhân của Tổng thống Moon Jae-in, ở một mức độ nào đó, đã ảnh hưởng đến nguồn điện. Theo họ, quá nhiều lò phản ứng hạt nhân bị đóng cửa trong những năm qua, năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch không đủ để cho phép quản lý ổn định nguồn cung cấp điện.

Để đối phó với kịch bản như vậy, MOTIE đang xem xét nối lại hoạt động của 3 lò phản ứng hạt nhân ở bờ biển phía Đông Nam trong tháng này để có thể tăng lượng dự trữ điện.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã kích hoạt các biện pháp khẩn cấp, bao gồm kiểm soát việc sử dụng máy điều hòa không khí tại nhà, văn phòng và nhà máy trong trường hợp lượng điện dự trữ ở dưới 5,5 GW; khuyến cáo tất cả các bộ ngành và các tổ chức công khác ngừng hoặc hạn chế sử dụng máy điều hòa không khí trong khoảng thời gian từ 14 giờ đến 17 giờ hàng ngày. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Chính phủ Hàn Quốc đưa ra yêu cầu như vậy đối với các cơ quan chính phủ, cũng như các tổ chức và công ty nhà nước.

Chính phủ Hàn Quốc cũng cho biết sẽ thực hiện ưu đãi tài chính đối với các doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy và cắt giảm sử dụng điện.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng việc hạn chế nhu cầu sử dụng điện sẽ không giải quyết được vấn đề bởi nhu cầu về điện sẽ chỉ tăng lên khi có sự nóng lên trên toàn cầu và sự phát triển của công nghệ.

Giáo sư Huh Sung-yoon nhấn mạnh: "Việc hạn chế nhu cầu có thể là một hướng đi đúng đắn để thay đổi mô hình chính sách năng lượng của chính phủ. Tuy nhiên, sản xuất đủ năng lượng cung cấp cũng quan trọng không kém. Nhu cầu rõ ràng sẽ tăng lên trong tương lai. Vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc nên đánh giá lại liệu các cơ sở hạ tầng hiện có có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đó hay không"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục