Hàn Quốc: Cứ 3 trong 10 học sinh bị thừa cân hoặc béo phì

07:09' - 16/11/2022
BNEWS Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, cứ 10 học sinh từ cấp tiểu học đến THPT ở nước này lại có 3 em bị thừa cân hoặc béo phì, chủ yếu do đại dịch COVID-19 kéo dài.

Theo báo cáo mới nhất do Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố, cứ 10 học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông tại nước này lại có 3 em bị thừa cân hoặc béo phì, chủ yếu do đại dịch COVID-19 kéo dài khiến các em bị hạn chế các hoạt động ngoài trời.

Báo cáo được thực hiện dựa trên kết quả kiểm tra sức khỏe của 1.023 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc. Theo đó, tỷ lệ học sinh thừa cân hoặc béo phì tại Hàn Quốc trong năm ngoái là 30,8%, tăng 5% so với năm 2019 và cũng là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận trong 5 năm qua.

 

Trong tổng số học sinh được khảo sát, 19% em được chẩn đoán mắc bệnh béo phì, tăng 3,9 điểm phần trăm; trong khi những học sinh thừa cân chiếm 11,8%, tăng 1,1 điểm phần trăm.

Đáng chú ý, cấp tiểu học có lượng học sinh bị béo phì cao, với cân nặng trung bình của học sinh nam và học sinh nữ lớp 6 lần lượt tăng 3,3 kg và 1,5 kg, lên 52,1 kg và 47,6 kg.

Gần 59,5% học sinh tiểu học được khảo sát cho biết các em tham gia hoạt động thể chất 3 lần/tuần trở lên, tăng 0,81 điểm phần trăm so với năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh lướt mạng hoặc chơi trò chơi điện tử từ 2 giờ/ngày trở lên ở học sinh tiểu học là 37,8%, trong khi con số này lần lượt là 64,43% và 54,05% ở học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Các tỷ lệ này lần lượt tăng 8,74 điểm phần trăm, 10,8 điểm phần trăm và 15,41 điểm phần trăm so với báo cáo năm 2019.

Giới chức Bộ Giáo dục Hàn Quốc lý giải tỷ lệ béo phì cao hơn là do đại dịch COVID-19 khiến học sinh không còn được tham gia nhiều hoạt động ngoài trời, trong khi các em lại ngày càng tiêu thụ nhiều các thực phẩm giàu calo.

Trước đó, nghiên cứu khoa học do khoa nhi Bệnh viện Đại học Chung-Ang tiến hành và công bố năm ngoái cũng kết luận tình trạng béo phì ở trẻ em tăng nhanh, đặc biệt trong thời kỳ COVID-19.

Các chuyên gia y tế cho biết lối sống thay đổi trong đại dịch là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ này tăng, khi học sinh được nghỉ học và dành nhiều thời gian ở nhà, trong khi thời gian hoạt động thể chất giảm thì xu hướng ăn vặt hoặc chơi điện tử lại tăng.

Theo báo cáo này, trẻ em ở những quốc gia đang phát triển tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh đang đối mặt nguy cơ béo phì gia tăng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục