Hàn Quốc đối mặt với suy giảm dân số nặng nề

08:39' - 06/12/2023
BNEWS Sự suy giảm dân số mạnh mẽ từ lâu đã được coi là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà Hàn Quốc phải đối mặt.

Sự suy giảm dân số mạnh mẽ từ lâu đã được coi là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà Hàn Quốc phải đối mặt. Gần đây, một nhà báo nổi tiếng đã gây xôn xao dư luận khi tuyên bố rằng tình trạng suy giảm dân số ở Hàn Quốc có thể vượt xa tác động của “Cái chết đen” đối với châu Âu trong thế kỷ 14.

Trong một chuyên mục của tờ New York Times có tựa đề “Có phải Hàn Quốc đang biến mất?”, Ross Douthat nói rằng ước tính dân số giảm xuống dưới 35 triệu người vào cuối những năm 2060 sẽ đủ để đẩy xã hội Hàn Quốc vào một cuộc khủng hoảng.

 

Nhà báo Ross Douthat mô tả một tương lai u ám và khốn khổ mà Hàn Quốc có thể sẽ phải đối mặt trừ khi tình trạng giảm dân số chấm dứt. Ông viết: “Sẽ không thể tránh khỏi việc những người già bị bỏ rơi, những thị trấn ma rộng lớn, những tòa nhà cao tầng đổ nát, và sự di cư của những người trẻ, những người không nhìn thấy tương lai với tư cách là người trông coi một cộng đồng hưu trí”.

Về nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh thấp, nhà báo Douthat trích dẫn "văn hóa cạnh tranh học thuật đặc biệt khốc liệt” cùng với sự gia tăng xung đột giới tính phát sinh từ các cuộc nổi dậy vì nữ quyền và phản ứng chống nữ quyền như một trong những nguyên nhân.

Tỷ suất sinh của Hàn Quốc giảm xuống mức 1,0 vào năm 2018 và tiếp tục giảm, đứng ở mức 0,78 vào năm 2022 và mức thấp kỷ lục 0,7 trong quý III năm nay. Nếu tỷ lệ kết hôn mới tiếp tục giảm, việc tỷ lệ sinh giảm xuống mức 0,6 chỉ là vấn đề thời gian. Tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự bền vững của xã hội và nền kinh tế Hàn Quốc.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 3/12 vừa công bố một báo cáo dự đoán khả năng Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,5% vào năm 2050 nếu tỷ lệ sinh thấp tiếp tục chưa được giải quyết. BoK cho rằng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của thế hệ trẻ, cùng với những bất ổn và lo ngại xung quanh vấn đề việc làm, nhà ở và chăm sóc trẻ em là những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ sinh thấp.

Trước đó, David Colman, giáo sư Oxford và chuyên gia nhân khẩu học nổi tiếng người Mỹ đã cảnh báo rằng Hàn Quốc có thể biến mất vào năm 2750 nếu xu hướng giảm dân số hiện tại tiếp tục.

Hiroya Matsuda, nhà xã hội học Nhật Bản, trước đó cho rằng các quốc gia sẽ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi từ 20-39 chiếm chưa đến một nửa số người trên 65 tuổi.

Theo lý thuyết của ông, hơn một nửa trong số 226 tỉnh thành của Hàn Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Số lượng học sinh tiểu học của Hàn Quốc cũng giảm mạnh. Số học sinh lớp 1 sinh năm 2017 dự kiến sẽ giảm xuống dưới 400.000 vào năm tới.

Theo khuyến cáo của BoK, cần phải thực hiện các biện pháp toàn diện để tìm ra bước đột phá trong vấn đề giảm dân số kinh niên. Đầu tiên và quan trọng nhất, việc cải cách ngành giáo dục cần được thực hiện không ngừng.

Cần thực hiện các chính sách thận trọng để giảm bớt gánh nặng của giáo dục tư nhân và các cơ sở luyện thi bằng cách giảm bớt sự cạnh tranh để vào đại học. Với mục tiêu sửa đổi cấu trúc lưỡng cực của thị trường lao động, cần có sự phân phối của cải công bằng hơn, đồng thời tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân. Cần thực hiện các chính sách để bình ổn hơn nữa giá bất động sản, đồng thời mang lại cho người dân nhiều cơ hội hơn để tận hưởng cuộc sống cân bằng giữa gia đình và công việc.

Hàn Quốc đã rót 380.000 tỷ won (290 tỷ USD) từ năm 2006 nhằm giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp và xã hội già hóa. Nhưng các biện pháp quy mô lớn được áp dụng cho đến nay đều không mang lại kết quả. Ngược lại, xu hướng ngại sinh con tiếp tục gia tăng trong giai đoạn hiện nay.

Các chính quyền ở Hàn Quốc chỉ có một nhiệm kỳ trong 5 năm của các giai đoạn trước đã bị chỉ trích gay gắt đẩy trách nhiệm cho hậu thế. Giờ đây, chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk-yeol cần quyết liệt thực hiện các chính sách để giải quyết vấn đề sinh thấp và cần triển khai ngay những chính sách táo bạo hơn để hỗ trợ sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục