Hàn Quốc: Nguyên nhân chính đằng sau "bong bóng" bất động sản ở Seoul

06:30' - 10/09/2021
BNEWS Tình trạng giá bất động sản ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc tăng vọt có liên quan chặt chẽ đến các vấn đề cơ cấu trong nền kinh tế của quốc gia Đông Á này.

Theo nhận định của ông Yong Kwon - Giám đốc truyền thông của Viện Kinh tế Hàn Quốc của Mỹ (KEI), tình trạng giá bất động sản ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc tăng vọt có liên quan chặt chẽ đến các vấn đề cơ cấu trong nền kinh tế quốc gia Đông Á này.

Tâm lý lo lắng và bất an của người dân về tương lai là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường nhà đất ngày càng nóng hơn. Các hộ gia đình ở Hàn Quốc đổ phần lớn tài sản vào bất động sản (chiếm đến 75%) so với các nước khác vì họ coi đây là khoản đầu tư an toàn khi nghỉ hưu.

Xu hướng này ngày càng được củng cố bởi thực tế là khoảng 40% nhóm người trên 65 tuổi đang sống trong tình trạng bấp bênh với thu nhập chưa bằng một nửa so với mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình.

Trong khi đó, các gia đình đều muốn tìm nhà ở Seoul vì nhiều phụ huynh tin rằng việc con cái theo học ở các trường lớn và nổi tiếng thì những đứa trẻ đó khi ra trường sẽ có cơ hội tìm việc làm cao hơn.

Tháng 1/2021, tỷ lệ người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 15 đến 29 đang thất nghiệp hoặc thiếu việc làm (người lao động có tay nghề cao, nhưng đang làm công việc được trả lương thấp hoặc chỉ yêu cầu kỹ năng thấp) ở mức 27,2%, đánh dấu mức cao kỷ lục.

Do đó, việc ổn định thị trường nhà đất thông qua các quy định tài chính mới sẽ không thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng giá bất động sản tăng vọt.

Ví dụ, để xoa dịu nỗi lo tài chính khi về già, các nhà hoạch định chính sách có thể cải thiện chế độ hưu trí quốc gia và tăng thu nhập của các thành viên trong hộ gia đình. Việc điều chỉnh chính sách hưu trí không phải là điều dễ dàng, nếu xét trên góc độ tài khóa quốc gia. Do đó, biện pháp thứ hai có vẻ hợp lý hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến hầu hết các hộ gia đình ở Hàn Quốc không đạt được mức thu nhập tiềm năng là tình trạng bất bình đẳng giới trên thị trường lao động.

Do nhiều phụ nữ không đi làm sau khi lập gia đình, nên Hàn Quốc là quốc gia có mức chênh lệch thu nhập giữa các giới lớn nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Khoảng cách này nới rộng thêm trong đại dịch COVID-19, với tỷ lệ phụ nữ bị mất việc làm nhiều hơn so với nam giới.

Trong bối cảnh đó, việc khắc phục tình trạng mất thu nhập của phụ nữ có thể cải thiện nỗi lo tài chính ở cấp hộ gia đình và góp phần ổn định thị trường bất động sản. Nỗ lực đảo ngược quan điểm của xã hội về việc phụ nữ "hy sinh sự nghiệp, lui về hậu phương" sau khi lấy chồng cũng như tình trạng bất bình đẳng giới tính trong môi trường làm việc đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Các công ty ở Hàn Quốc có thể đề cao những tiêu chí linh hoạt, tránh phân biệt đối xử trong quy trình tuyển dụng.

Chính phủ cũng có thể đóng một vai trò quan trọng để thúc đẩy phụ nữ tham gia vào thị trường lao động. Năm 2020, Quốc hội Hàn Quốc thông qua luật sửa đổi yêu cầu ban giám đốc của các tập đoàn lớn phải có ít nhất một phụ nữ. Cuối năm ngoái, Bộ Giáo dục thông báo rằng các trường đại học quốc gia phải tăng tỷ lệ nữ giáo sư lên 25% vào năm 2030. Với việc Hàn Quốc đang đứng thứ 108 trong số 153 quốc gia được xếp hạng trong Chỉ số Khoảng cách giới toàn cầu năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), những "hạn ngạch" trên cần được nâng cao hơn.

Những đề xuất chính sách nói trên có thể đối mặt với sự phản đối dữ dội, bởi môi trường chính trị hiện tại ở Hàn Quốc (và cả trên thế giới) vẫn có xu hướng thúc đẩy vai trò của nam giới nhiều hơn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi ích dài hạn của việc thúc đẩy sự tham gia của lao động nữ trong nền kinh tế.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hàn Quốc có thể đạt mức tăng trưởng GDP thực tế là 7% vào năm 2035, nếu nước này thúc đẩy sự tham gia của lực lượng lao động nữ lên mức tương đương với nam giới. 

Một rào cản lớn khác đối với nỗ lực đạt được bình đẳng giới trên thị trường lao động Hàn Quốc, đó là vấn đề lương bổng. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đóng góp rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế của đất nước và một số công ty, như SK và Samsung, đã thực sự có những bước tiến để thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, vai trò của những "ông lớn" này đang ngày càng mở rộng cũng khiến cuộc khủng hoảng việc làm trầm trọng hơn.

Sau khi sáp nhập trong Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, hai hãng sản xuất ô tô Hyundai và Kia cùng nhau kiểm soát hơn 80% ngành công nghiệp ô tô của Hàn Quốc. Năm ngoái, hãng hàng không Korean Airlines đã công bố kế hoạch mua phần lớn cổ phần của đối thủ Asiana Airlines. Những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các nhà xuất khẩu mở rộng quy mô để có thể dễ dàng duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.

Tuy nhiên, khi các tập đoàn này có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường lao động trong nước, họ tối đa hóa lợi nhuận bằng cách trả cho người lao động ít hơn. Điều này cũng lý giải vì sao các công ty ngày càng phụ thuộc vào các nhà thầu phụ, bởi các nhà thầu chỉ nhận được tiền công tương đương khoảng 60% so với mức lương của lao động toàn thời gian.

Do đó, các biện pháp chống độc quyền là cần thiết để khôi phục thị trường lao động cạnh tranh hơn. Văn hóa doanh nghiệp, môi trường làm việc và chế độ lương bổng cải thiện sẽ tạo điều kiện cho lao động nữ tham gia đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục