Hàn Quốc trước nỗi lo lạm phát tăng cao trong năm 2022

05:30' - 31/01/2022
BNEWS Việc Hàn Quốc dự trù thêm khoản ngân sách bổ sung để hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 có thể làm tăng thêm gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) dẫn lời các chuyên gia sở tại cho rằng việc chính phủ nước này đang dự trù thêm khoản ngân sách bổ sung trị giá 14.000 tỷ won (11,74 tỷ USD) để hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Thực tế cho thấy đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) tăng lãi suất cho vay cũng như giá tiêu dùng tăng nhanh.

Chính phủ Hàn Quốc vừa qua đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung năm 2022 quy mô 14.000 tỷ won (11,74 tỷ USD), được sử dụng để hỗ trợ cho tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ, nâng quy mô ngân sách phòng dịch và bù đắp những thiệt hại do các quy định phòng dịch tăng cường.

Trước mắt, khoảng 3,2 triệu tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ sẽ được hỗ trợ phòng dịch ở mức 3 triệu won (2.515 USD)/tiểu thương, chủ yếu là các hộ kinh doanh có doanh thu trong tháng 11 hoặc tháng 12/2021 giảm so với cùng thời điểm của các năm 2019 và 2020.

Ngân sách hỗ trợ phòng dịch được bổ sung là 9.600 tỷ won (8,05 tỷ USD). Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng dành 1.900 tỷ won (1,6 tỷ USD) để tăng ngân sách bù đắp thiệt hại cho khoảng 900.000 tiểu thương chịu ảnh hưởng từ các quy định phòng dịch tăng cường của nhà nước. Số tiền chi trả tùy theo mức độ thiệt hại, từ 500.000 won (419 USD) tới tối đa 5 triệu won (4.190 USD).

Hiện Chính phủ Hàn Quốc đang tiến hành phương thức "chi trả trước, quyết toán sau", mỗi hộ tiểu thương được tạm ứng trước 5 triệu won (4.190 USD) để bù đắp thiệt hại. Nếu số tiền tạm ứng lớn hơn mức chi trả thực tế thì số tiền thừa sẽ được hoàn lại cho nhà nước trong vòng 5 năm.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng phân bổ 600 tỷ won (503,1 triệu USD) ngân sách bổ sung để nhập 100.000 liều thuốc điều trị COVID-19 dạng tiêm và 400.000 liều thuốc điều trị dạng uống; 400 tỷ won (335,4 triệu USD) để nâng số giường điều trị cho bệnh nhân COVID-19 lên 25.000 giường; 500 tỷ won (419,2 triệu USD) để chi trả tiền hỗ trợ sinh hoạt và nghỉ làm hưởng lương cho các bệnh nhân điều trị tại nhà. Ngoài ra, chính phủ cũng phân bổ thêm 1.000 tỷ won (838,5 triệu USD) ngân sách dự phòng để đối phó với các nhu cầu phát sinh ngoài dự tính, như đối phó với biến thể Omicron.

Để huy động 14.000 tỷ won ngân sách bổ sung cho năm tài khóa 2022, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ phát hành 11.300 tỷ won (9,48 tỷ USD) trái phiếu chính phủ đồng thời huy động bổ sung từ các quỹ khác.

Chính những vấn đề này đã khiến lợi tức trái phiếu kho bạc của Hàn Quốc tăng lên. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 3 năm đã tăng 0,091 điểm phần trăm vào ngày 14/1, khi Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch ngân sách bổ sung trị giá 14.000 tỷ won và tăng 0,104 điểm phần trăm vào ngày giao dịch tiếp theo. Ngày 17/1, lợi tức trái phiếu kho bạc đã đạt mức cao nhất 2,148% kể từ tháng 6/2018.

Các dấu hiệu bất ổn trên thị trường ở Hàn Quốc cũng đã xuất hiện vào tháng 10/2021 sau khi một loạt ngân sách khẩn cấp được rút ra, khi lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 3 năm tăng lên mức hơn 2% lần đầu tiên sau ba năm. Sự gia tăng này cũng đã buộc Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) phải mua lại lượng trái phiếu chính phủ trị giá 2.000 tỷ won.

Ngoài ra, việc tăng lãi suất trái phiếu kho bạc cũng đang gây ra những lo ngại sẽ dẫn đến việc tăng lãi suất cho vay sau đó. Chỉ số Chi phí Nguồn vốn (COFIX), đóng vai trò là lãi suất cho vay chuẩn đối với các khoản thế chấp, được tính toán dựa trên dữ liệu của 8 ngân hàng thương mại về việc đảm bảo nguồn tiền (bao gồm chi phí tiết kiệm trả góp thông thường, chứng chỉ tiền gửi và giấy nợ ngân hàng) và tất cả trong số này bị ảnh hưởng bởi lợi tức trái phiếu kho bạc.

Lợi tức trái phiếu kho bạc tăng sẽ dẫn đến tỷ lệ COFIX tăng và do đó sẽ dẫn đến tăng lãi suất cho vay. Việc tăng lãi suất cho vay sẽ tạo gánh nặng cho các hộ gia đình và chủ doanh nghiệp, những người sẽ phải trả lãi vay lớn hơn.

Ngân sách tăng thêm sẽ cung cấp thanh khoản cao hơn và điều này cũng sẽ dẫn đến làm gia tăng áp lực lạm phát vào thời điểm mà chính phủ đang phải đối phó với hiện tượng giá cả tăng cao.

Ngày 14/1 vừa qua, BoK đã tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản lên 1,25%/năm. Theo nhận định của BoK, lạm phát giá tiêu dùng của Hàn Quốc sẽ ở mức trung bình 3% trong vài tháng tới.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Viện Kinh tế Toàn cầu (IFGE) Jun Kwang-woo cho rằng: "Các cơ quan quản lý tiền tệ hiện đang tìm cách hấp thụ thanh khoản dư thừa”.

Tuy nhiên, giá sẽ tăng từ khoản ngân sách bổ sung sắp được thực thi. Ông nhấn mạnh: "Người nghèo là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi môi trường lạm phát cao. Họ cũng sẽ phải chịu gánh nặng hơn vì lãi suất cho các khoản vay được thực hiện trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đang tăng. Các chủ doanh nghiệp nhỏ đang cần hỗ trợ song các phương pháp hỗ trợ của chính phủ phần nào vẫn cho thấy là chưa đủ".

Trong khi đó Kim Dae-jong, Giáo sư quản trị kinh doanh của Đại học Sejong (Hàn Quốc), cho rằng: "Các chính sách của Chính phủ Hàn Quốc nên thể hiện tính nhất quán và có thể dự đoán được. Tuy nhiên, kế hoạch ngân sách bổ sung được đưa ra trước cuộc bầu cử Tổng thống 50 ngày chỉ có thể được coi là một biện pháp dân túy"./.

Anh Nguyên (P/v TTXVN tại Seoul)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục