Hàn Quốc: Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP liên tục tăng cao

10:33' - 23/07/2023
BNEWS Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP ở Hàn Quốc liên tục tăng bất chấp nỗ lực chính sách nhằm kiểm soát nợ hộ gia đình của Chính phủ.
Tính đến quý IV/2022, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc là 105%, cao thứ ba trong số các nước lớn, xếp sau mức 128,3% của Thụy Sỹ và Australia với 111,8%.

 
Theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), trong khi các nước lớn có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP giảm dần hoặc giữ nguyên kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu thì ngược lại tỷ lệ này của Hàn Quốc lại liên tục tăng bất chấp nỗ lực chính sách nhằm kiểm soát nợ hộ gia đình của Chính phủ.

Năm 2010, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Hàn Quốc xếp thứ 14 trong số 43 nước lớn. Nhưng sang giai đoạn 2016-2017 tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Hàn Quốc tăng lên vị trí thứ 8, và giai đoạn 2018-2020 tăng lên vị thứ 7.

BoK chỉ ra một đặc điểm trong nợ hộ gia đình Hàn Quốc là các khoản vay thường tập trung ở hộ gia đình có thu nhập cao. Trong thang thu nhập chia làm 5 nhóm, nhóm 1 và nhóm 2 gồm những người có thu nhập thấp nhất chỉ chiếm 11% tổng khoản vay hộ gia đình, trong khi hai nhóm thu nhập cao nhất là nhóm 4 và nhóm 5 chiếm tới 76%.

BoK phân tích rằng một trong các nguyên nhân dẫn tới gia tăng nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc đó là gói vay cho hộ gia đình có lợi nhuận cao và tính ổn định hơn gói vay cho doanh nghiệp, thêm vào đó là nhu cầu vay gia tăng trong bối cảnh chính phủ kéo dài chính sách duy trì lãi suất thấp.

Một nguyên nhân khác là việc áp dụng chỉ số khả năng trả nợ (DSR) ở Hàn Quốc bị chậm hơn so với các nước lớn, khiến cho nhiều khoản vay không được áp dụng tỷ số này tùy thuộc vào thời điểm và loại khoản vay.

Cùng với đó BoK cũng nhận định rằng việc Chính phủ Hàn Quốc mở rộng cho vay tiền đặt cọc thuê nhà trọn gói (jeonse) cũng góp phần làm tăng nợ hộ gia đình. Từ sau năm 2016, các khoản vay tiền đặt cọc thuê nhà tăng bình quân 20-30% mỗi năm. Tỷ trọng khoản vay tiền đặt cọc thuê nhà trên tổng nợ hộ gia đình tăng từ 5% trong năm 2016 lên 14% cho tới tháng 9/2022.

BoK nhận định dư nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc hiện nay ít có nguy cơ gây ra bất ổn tài chính. Tuy nhiên, nợ hộ gia đình tăng cao quá mức sẽ có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực như cản trở sự tăng trưởng kinh tế về dài hạn, làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về tài sản.

Theo BoK, sẽ tốn không ít thời gian để thu hẹp nợ hộ gia đình bằng hoặc thấp hơn GDP. Trong thời gian tới, chính phủ nước này sẽ nỗ lực tiếp tục quản lý mức tăng nợ hộ gia đình trong phạm vi mức tăng GDP danh nghĩa, để không cản trở quá trình ổn định tài chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục