Hãng BioNTech khẳng định tiêm nhắc lại tốt hơn điều chỉnh vaccine

12:43' - 10/08/2021
BNEWS Người đứng đầu BioNTech nhấn mạnh, hiện công ty vẫn nhận thấy rõ ràng rằng việc tiêm nhắc lại vaccine là đủ và chiến lược này tốt hơn so với việc điều chỉnh dược phẩm.

Ngày 9/8, Giám đốc điều hành công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech, ông Ugur Sahin cho biết vaccine thế hệ đầu tiên do BioNTech và Pfizer hợp tác bào chế có tác dụng chống lại các biến thể virus SARS-CoV-2 như chủng Delta, và hiện chưa cần phải điều chỉnh chế phẩm sinh học này.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu với báo giới, ông Sahin nhấn mạnh: “Rất có thể trong vòng 6 đến 12 tháng tới, các biến thể khác sẽ xuất hiện và điều đó đòi hỏi sự thích ứng của vaccine, nhưng hiện tại vẫn chưa cần thiết”.

Theo ông, quyết định điều chỉnh vaccine chỉ nên được thực hiện nếu vaccine không còn tác dụng hoặc chỉ cung cấp khả năng bảo vệ hạn chế chống lại biến thể của virus.

Tình hình thay đổi nhanh chóng có nghĩa việc nắm bắt đúng thời điểm điều chỉnh vaccine là yếu tố quan trọng.

Ông cho rằng việc đưa ra quyết định vào lúc này có thể trở nên sai lầm trong vòng 3 hoặc 6 tháng nếu một biến thể khác đang lấn át.

Người đứng đầu BioNTech nhấn mạnh, hiện công ty vẫn nhận thấy rõ ràng rằng việc tiêm nhắc lại vaccine là đủ và chiến lược này tốt hơn so với việc điều chỉnh dược phẩm.

BioNTech cho rằng việc tiêm liều thứ ba vaccine BioNTech/Pfizer sẽ có mức độ bảo vệ cao nhất chống lại tất cả các biến thể hiện có, bao gồm cả Delta.

Tuy nhiên, Biontech và Pfizer cũng đang nghiên cứu một phiên bản của vaccine được điều chỉnh cho phù hợp và hiệu quả hơn với biến thể Delta.

Lô vaccine đầu tiên của phân tử truyền tin mRNA mới đã được sản xuất tại nhà máy BioNTech ở thành phố Mainz của Đức và dự kiến một nghiên cứu với hàng trăm người tham gia sẽ được tiến hành trong tháng 8 này ngay sau khi vaccine mới được phê duyệt thử nghiệm theo quy định. Hiện tại, BioNTech vẫn tiếp tục dựa vào loại vaccine gốc và tiêm liều tăng cường.

Tính đến ngày 21/7, BioNTech/Pfizer đã xuất xưởng khoảng một tỷ liều vaccine tới hơn 100 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới.

Công ty đang kỳ vọng năng lực sản xuất hằng năm sẽ đạt 3 tỷ liều vào cuối năm nay, trước khi tăng lên 4 tỷ liều vào năm 2022.

BioNTech cũng thông báo doanh thu dự kiến trong năm nay đạt 15,9 tỷ euro (18,7 tỷ USD), tăng so với dự báo hồi tháng 5 là 12,4 tỷ euro.

Lợi nhuận riêng trong quý II đạt 2,8 tỷ euro, trong khi so với cùng kỳ năm ngoái, BioNTech thua lỗ 88,3 triệu euro. Lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm đạt 3,9 tỷ euro, trong khi cùng kỳ năm 2020, công ty lỗ 141 triệu euro.

Tại Đức, tính đến ngày 9/8, nước này đã hoàn tất tiêm chủng đầy đủ cho gần 55% dân số (45,6 triệu người), trong khi 62,4% đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục