Hàng chục cầu treo ở Yên Bái xuống cấp, người dân đối mặt với nguy hiểm

19:20' - 03/11/2016
BNEWS Tỉnh Yên Bái hiện có hàng chục cây cầu treo đã xuống cấp cần được sửa chữa hoặc thay thế. Hàng ngày, người dân địa phương vẫn phải đối mặt với nguy hiểm khi đi trên những cây cầu cũ kỹ này.
Cầu treo Khe Rộng, thôn 11, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Đinh Hữu Dư – TTXVN.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhất là ở những huyện vùng cao của tỉnh, hiện có hàng chục cây cầu treo đã xuống cấp cần được sửa chữa hoặc thay thế. Hằng ngày, người dân địa phương vẫn phải đối mặt với nguy hiểm khi đi trên những cây cầu cũ kỹ, ọp ẹp và có thể sập xuống bất cứ lúc nào. 

Mỗi ngày, ông Bùi Văn Kiều, thôn 11, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, đều phải đi qua cây cầu treo Khe Rộng bắc qua ngòi Rào đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi có xe máy chạy qua, cây cầu đung đưa như muốn sập xuống. Trên cầu, những chốt nối lỏng lẻo, những mối buộc bằng đoạn dây thép đã gỉ, có chỗ thậm chí chỉ được níu tạm bằng mấy sợi dây đã mục. Sàn cầu được làm bằng những ván gỗ ghép lại đã mục ruỗng, người dân trong thôn phải lấy thanh tre, cành cây khô vá tạm những đoạn mặt cầu bị thủng. 

Ông Kiều cho biết: Cây cầu bắc qua ngòi Rào, nối con đường từ xã Quy Mông sang bên kia là xã Kiên Thành của huyện Trấn Yên, lượng người qua lại khá đông. Người dân rất mong muốn có được cây cầu mới để đi lại thuận tiện hơn, hàng hóa được vận chuyển dễ dàng hơn. 

Trưởng thôn 11, xã Quy Mông Nguyễn Ngọc Nguyên cho biết, từ khi xảy ra vụ sập cầu Chu Va 6 ở Lai Châu, ông rất lo lắng. Do đó, chính quyền địa phương cũng đã cảnh báo mọi người khi qua cầu chỉ đi từng nhóm nhỏ để tránh quá sức chịu đựng của cây cầu. 

Ông Nguyễn Duy Khanh, Chủ tịch UBND xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, cho biết: Cầu treo thôn 11 đã xuống cấp nghiêm trọng, rất nguy hiểm cho người dân đi lại. UBND xã Quy Mông đã đề xuất, kiến nghị UBND huyện Trấn Yên có phương án sửa chữa, thay thế kịp thời. Trước mắt, UBND xã cũng đã vận động nhân dân đóng góp, sửa chữa mặt cầu bằng các vật liệu có sẵn; đồng thời cảnh báo hạn chế đi lại để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. 

Cầu Khe Rộng ở thôn 11, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, chỉ là một trong số hàng chục cây cầu treo cần được sửa chữa, thay thế khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người dân qua lại trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Theo báo cáo kiểm tra, rà soát hệ thống cầu treo trên địa bàn của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh có 130 cầu treo. Trong đó, 11 cầu treo cần được thay thế, làm mới ngay vì tình trạng xuống cấp quá nghiêm trọng, không thể sửa chữa; 27 cầu khác cần được sửa chữa lớn vì mặt cầu, dầm dọc, dầm ngang, dây treo đã bị hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông. 

 Cầu treo Khe Rộng, thôn 11, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Đinh Hữu Dư – TTXVN.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái đã đề xuất sửa chữa, thay thế ngay đối với 32 cầu treo xuống cấp, không bảo đảm an toàn, gây nguy hiểm cho người dân. Mặc dù, từ năm 2014 đến nay, đã có 13 cây cầu được sửa chữa và thay thế, song 19 dự án cầu còn lại đã được trình phương án nhưng vẫn đang “treo” vì chưa tìm được nguồn kinh phí. 

Thôn 3, xã An Lạc, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, có tới hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng ngày, người dân, đặc biệt là học sinh nơi đây vẫn phải đi qua con suối rộng hơn 50 mét bằng chiếc cầu gỗ tạm. 

Yên Bái là một tỉnh miền núi khó khăn, nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông thấp, nhất là đầu tư cho các công trình cầu vượt sông, suối. Ngoài hàng chục cây cầu treo xuống cấp đã được trình phương án sửa chữa, thay thế, nhưng vẫn đang “treo”, trên địa bàn tỉnh còn nhiều vị trí vượt sông, suối chưa được đầu tư. Việc đi lại của người dân trong vùng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. 

Ông Nguyễn Trọng Tiến, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông Vận tải Yên Bái cho biết: Bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ sửa chữa, thay thế các cây cầu cũ đã được lên phương án, về mặt chủ trương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chấp thuận 49 vị trí, tỉnh Yên Bái cũng đã trình tiếp 30 vị trí mới chưa có cầu, người dân đi lại khó khăn để có thể kịp thời triển khai, thiết kế vào đầu năm 2017. Nếu tất cả các cây cầu cũ được thay thế và 79 vị trí mới này đều được phê duyệt, người dân vùng cao Yên Bái sẽ không còn nỗi lo mất an toàn khi đi lại trong mùa mưa lũ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục