Hàng trăm dự án dầu khí mới được phê duyệt bất chấp cuộc khủng hoảng khí hậu

14:38' - 01/12/2023
BNEWS Hơn 400 dự án khai thác dầu khí đã được phê duyệt trên toàn cầu trong hai năm qua bất chấp những lời kêu gọi từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Số liệu mới nhất được công bố tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) ngày 30/11 cho thấy hơn 400 dự án khai thác dầu khí đã được phê duyệt trên toàn cầu trong hai năm qua bất chấp những lời kêu gọi từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Trong bối cảnh phát thải khí nhà kính đe dọa làm hành tinh nóng lên đến mức thảm khốc, các quốc gia tại cuộc đàm phán ở Dubai đang chịu sức ép phải đồng ý loại bỏ dần dầu, khí đốt và than đá để đáp ứng mục tiêu của Hiệp định Paris về hạn mức tăng của nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C.

 

Theo số liệu từ tổ chức phi lợi nhuận Reclaim Finance, dựa trên dữ liệu từ các chuyên gia tư vấn của Rystad Energy, gần 200 tập đoàn tư nhân và nhà nước trên 58 quốc gia đã tham gia 437 dự án nhiên liệu hóa thạch mới.

Dữ liệu cho thấy sự bất đồng giữa việc tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chủ yếu gây ra phát thải khí nhà kính, với mục tiêu hạn chế Trái Đất ấm lên.

Hội đồng chuyên gia khí hậu thuộc Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cho biết cần phải cắt giảm khoảng 40% lượng khí thải trong thập niên này để duy trì mục tiêu 1,5 độ C trong tầm kiểm soát.

Hồi tháng 5/2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra cảnh báo sẽ "không có mỏ dầu khí mới" nào được phê duyệt, cũng như không có mỏ than mới nào được khai thác trong lộ trình đạt được mức phát thải ròng bắng 0.

Tuy nhiên, việc khai thác nhiên liệu hóa thạch không có dấu hiệu dừng lại. Tất cả 437 dự án mới kể từ năm 2022 đều đã nhận được "quyết định đầu tư cuối cùng", một cam kết quan trọng trong đó các nhà đầu tư chấp thuận việc phát triển và sản xuất một mỏ hydrocarbon mới. Sau khi đi vào sản xuất, chúng sẽ sản xuất dầu và khí đốt với số lượng lớn trong nhiều năm tới. Các công ty dầu khí được nhà nước hậu thuẫn đứng đằng sau 57% các dự án.

IEA ước tính rằng nhu cầu dầu và khí đốt toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, nhưng các “đại gia” dầu mỏ cho rằng quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không diễn ra đủ nhanh để thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Giám đốc điều hành Shell, ông Wael Sawan, hồi tháng 7/2023 cho biết nhu cầu về dầu và khí đốt vẫn rất lớn. Và một số “gã khổng lồ” dầu mỏ châu Âu, bao gồm Shell, BP và Enel, gần đây đã hủy bỏ một số mục tiêu chuyển đổi năng lượng của họ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục