Hàng trăm héc ta hồ tiêu tại Bình Phước bị bệnh chết nhanh

20:09' - 12/04/2018
BNEWS Từ đầu năm 2018 đến nay, diện tích cây hồ tiêu ở Bình Phước bị bệnh chết nhanh có xu hướng tăng mạnh.
Hàng trăm héc ta hồ tiêu tại Bình Phước bị bệnh chết nhanh. Ảnh minh họa: TTXVN
Đặc biệt, huyện Bù Gia Mập và Bù Đốp đã xuất hiện tình trạng tiêu chết hàng loạt, mất trắng với diện tích lớn. 

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, toàn tỉnh hiện có 574,1 ha hồ tiêu bị bệnh chết nhanh gây hại; trong đó, diện tích bệnh chết nhanh gây hại ở mức độ nhẹ là 312,8 ha, trung bình 87,3 ha, nặng 42 ha và mất trắng 132 ha. Diện tích hồ tiêu mất trắng tập trung tại xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) với 107 ha và huyện Bù Đốp là 25 ha. 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước Lê Xuân Trí, trước tình hình bệnh chết nhanh gây hại trên hồ tiêu có xu hướng tăng, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã liên tục khuyến cáo người dân thực hiện nhiều biện pháp quản lý chăm sóc cây tiêu theo quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu. Người dân cần chủ động thường xuyên tham vườn để phát hiện sớm chủ động phòng trừ sâu bệnh hại, chăm sóc đúng kỹ thuật. 

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã chỉ ra một số yếu tố khiến nhiều diện tích bị nhiễm bệnh như: vào thời điểm cuối năm 2014 đến năm 2016 giá tăng cao đột biến lên 220.000 đồng/1kg nên nhiều hộ dân trồng hồ tiêu ở những khu vực đất dốc, trũng không thích hợp; diện tích vườn tiêu rộng nên một số hộ dân chủ quan không kiểm tra, chăm sóc đúng kỹ thuật. 

Bên cạnh đó, việc mưa quá nhiều nên nước không thoát kịp làm rễ tiêu bị ngập úng dẫn đến thối rễ. Mưa kéo dài còn làm bùng phát các dịch bệnh hại đến rễ và thân cây. Một số hộ dân sử dụng loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp với sự phát triển cây tiêu. Thêm vào đó, giá tiêu giảm mạnh nên một số hộ dân không chú trọng trong đầu tư chăm sóc;… 

Bệnh chết nhanh trên cây tiêu là do nấm Phytophthora gây ra. Triệu chứng ban đầu của bệnh này là các chóp rễ bị biến màu nâu nhạt, sau đó chuyển thành màu nâu đen, mép lá hơi co lại và chuyển màu vàng trước khi rụng. Còn mạch dẫn của thân cây tiêu thì bị thâm đen. Cây tiêu héo rất nhanh chỉ sau 1 đến 2 tuần. Dù thân cây còn bám dính vào trụ nhưng cây vẫn chết khô. Bệnh phát sinh, lây nhiễm gây hại rễ ngay từ đầu mùa mưa, nhưng đến cuối mùa mưa cây mới chết hàng loạt. Bệnh còn phát sinh và lây lan mạnh nếu vườn không thoát nước tốt, người dân không làm tốt các khâu vệ sinh đồng ruộng và bón phân không cân đối,… 

Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước khuyến cáo nông hộ trồng tiêu, đối với những trụ tiêu bị nhiễm bệnh cần xử lý bằng thuốc có hoạt chất Fosetyl-aluminium, Azoxystrobin kết hợp Difenoconazole, Phosphorous acid,… Còn những trụ tiêu bị bệnh nặng, người dân cần thu gom, tiêu hủy cây bệnh, vệ sinh đồng ruộng, xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học khi trồng lại. 

Vào đầu mùa mưa, bà con cần phải phá bồn giữ nước quanh gốc để chống nước đọng lại. Những vườn tiêu trồng lại trên đất tiêu đã chết cần xử lý đất tốt bằng vôi bột và thuốc bảo vệ thực vật trừ tuyến trùng. Trước khi trồng lại tiêu, người dân cần phải bón chế phẩm sinh học Trichodema để hạn chế nguồn nấm bệnh trong đất. Đồng thời, bà con cần chú trọng bón phân hữu cơ, xác thực vật vào gốc cây để bổ sung chất hữu cơ cho đất, vừa có tác dụng giữa ẩm vào mùa khô, phát huy hệ sinh vật có ích và hạn chế bệnh dịch. 

Ngoài ra, những vườn cây bị bệnh, người dân phải thu gom những tàn dư cây bệnh mang ra khỏi khu vực vườn rồi đốt; xử lý đất tại gốc tiêu bị chết bằng vôi, khử trùng trước khi trồng lại;... ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục