Hàng trăm hộ dân Hà Nội thấp thỏm vì dự án treo gần nửa thế kỷ

16:19' - 01/12/2015
BNEWS Do dự án xây dựng Công viên Tuổi trẻ (phường Thanh Nhàn, Hà Nội) chậm triển khai nên hơn 40 năm, gần 600 hộ dân ở đây phải sống trong cảnh không sổ đỏ, không được sửa chữa nhà, không nhập hộ khẩu.
Do dự án xây dựng Công viên Tuổi trẻ chậm triển khai nên hơn 40 năm qua, gần 600 hộ dân thuộc khu phố số 4, phường Thanh Nhàn, Hà Nội phải sống trong cảnh không sổ đỏ, không được sửa chữa nhà cửa, không được nhập hộ khẩu, bởi khu dân cư này nằm trong khu vực quy hoạch của công viên. Người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương và thậm chí là lên đến thành phố, nhưng vẫn không được giải quyết. 

Khu phố "3 không" 

Đến khu phố 4, phường Thanh Nhàn dễ dàng nhận thấy những công trình thấp tầng, lụp xụp, xuống cấp, nhiều người sống chen chúc. Bởi đã nhiều năm nay, các hộ dân khu phố trên không được sửa chữa, xây dựng nhà cửa vì nằm trong quy hoạch dự án Công viên Tuổi trẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy đi kèm. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Xuân, ngõ 281, đường Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, thuộc diện cám cảnh nhất khi phải chịu hệ lụy từ dự án treo công viên Tuổi trẻ. Với diện tích khoảng 12 m2 nhưng là chỗ ở của 8 người trong gia đình. Quá bức xúc về chỗ ở, nhiều lần ông Xuân đã xin chính quyền địa phương cho xây thêm tầng để gia tăng diện tích sử dụng nhưng đều bị từ chối. Lý do mà chính quyền địa phương đưa ra là bởi gia đình ông Xuân nằm trong quy hoạch của Công viên Tuổi trẻ nên không được xây dựng. 

Ông Xuân rầu rĩ nói: “Gia đình rất lo lắng bởi tường nhà có thể bị đổ sập. Số là cách đây mấy chục năm gia đình xây bằng vữa vôi, ít xi măng”. Qua thời gian sử dụng, hiện nay tường nhà ông đang bong tróc, lộ gạch, mưa lớn nước thấm vào nhà. Để chống nước thấm khi trời mưa, gia đình ông Xuân nghĩ ra cách chắn những tấm nilon lớn vào tường để duy trì cuộc sống. 

Quá bức xúc về chỗ ở, gia đình chị Trần Thị Vui, thuộc khu dân cư số 4, phường Thanh Nhàn, đã “vượt rào” xây thêm tầng 2, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của 9 người trong gia đình. Tuy nhiên, kể từ khi căn nhà hoàn thành, vào tháng 6 năm nay, UBND phường Thanh Nhàn đã đến tiến hành lập biên bản xử phạt và ra quyết định cắt điện, tháo đồng hồ nước của gia đình. Gần 4 tháng qua, gia đình chị phải đi xin điện của hàng xóm và tự khoan giếng để có nước sinh hoạt. 

“Thực tình, cũng biết là khu vực này không được xây dựng, nhưng cực chẳng đã nên phải xây dựng để giải quyết chỗ ở trước mắt. Cứ chờ dự án treo kiểu này, có lẽ gia đình chết chật trước khi bị nhà nước xử phạt”, chị Vui chua chát nói. 

"Treo" đến bao giờ? 

Theo đại diện tổ dân phố số 4, phường Thanh Nhàn, việc chịu cảnh sống chật chội hay cố tình vi phạm lệnh cấm chỉ là việc làm bất đắc dĩ. Bởi chưa ở đâu, một dự án công viên đã có quy hoạch từ gần nửa thế kỷ mà đến nay vẫn chưa triển khai xong. Hiện, có khoảng gần 600 hộ dân với gần 1.800 nhân khẩu, thuộc tổ dân phố đang nằm trong quy hoạch của Công viên Tuổi trẻ từ năm 1970. Kèm theo đó là quyết định thu hồi đất từ năm 2001, nên không được phép sữa chữa hay xây mới quá 1 tầng và 1 tum. 

Ông Nguyễn Hữu Căn, khu phố số 4, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng cho biết, nếu thành phố cần đất để mở rộng công viên thì phải làm ngay chứ để đến tận 45 năm rồi chưa làm thì ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. “Nhiều gia đình ở khu phố rất khó khăn về chỗ ở, trong khi đất của gia đình người ta chính chủ, rõ nguồn gốc cũng không được xây dựng. Hoặc nếu diện tích đất thuộc tổ dân phố số 4 không thực sự cần thiết để xây dựng Công viên Tuổi trẻ nữa, phải công bố ngay cho dân để được xây dựng theo quy định. Đằng này, đã 45 năm từ khi quy hoạch đến nay vẫn chưa xây dựng, dẫn đến đất có thể bị lấn chiếm, khó khăn trong giải tỏa”, ông Nguyễn Hữu Căn than phiền. 

Trao đổi với ông Triệu Như Long, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn được biết, dự án Công viên Tuổi trẻ thuộc thẩm quyền của thành phố, chính quyền địa phương chỉ biết thực thi, không biết cách nào để tháo gỡ khó khăn, bức xúc của người dân trong thời điểm hiện nay. 

Dự án quy hoạch treo Công viên Tuổi trẻ chỉ là một trong nhiều dự án treo trên địa bàn thành phố gây ra những hệ lụy cho nhiều người dân. Từ cách làm tắc trách, đến sự bàng quang của chính quyền sở tại dẫn đến nhiều người dân Thủ đô ở vào cảnh, khóc dở, mếu dở khi diện tích gia đình mình nằm trong quy hoạch treo của thành phố. Đối chiếu với một số quy định của nhà nước, dự án trên đã bị treo quá so với thời gian quy định của luật, nên cần được thành phố Hà Nội xem xét thu hồi, điều chỉnh để người dân sớm thoát khỏi cảnh: không sổ đỏ, không được sửa chữa nhà cửa, không được nhập hộ khẩu ngay trên phần đất của mình./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục