Hàng triệu người dân khốn đốn vì hạn, mặn: Đồng bộ giải pháp chống hạn mặn

15:32' - 23/02/2016
BNEWS Diễn biễn xâm mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại không nhỏ đến các trà lúa Đông Xuân, hoa màu và ảnh hưởng đến cấp nước sinh hoạt cho người dân hiện nay.
Hàng triệu người dân khốn đốn vì hạn, mặn. Ảnh: Huỳnh Thế Anh-TTXVN

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, tình trạng xâm mặn, hạn hán kéo dài đến tháng 6/2016. Do đó, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng đưa ra các giải pháp phòng chống hạn mặn, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đảm bảo ổn định cuộc sống người dân.

Chú trọng giải pháp thân thiện môi trường

Theo thông kê sơ bộ từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thiệt hại do hạn, xâm mặn ước khoảng 150.000 tỷ đồng. Dự báo thì con số này vẫn chưa dừng hại và còn kéo dài đến vụ lúa Hè Thu, thiệt hại về gia súc do thiếu thức ăn, nước uống. Vì vậy, phòng chống hạn mặn phải được thực hiện đồng bộ cả giải pháp công trình và phi công trình.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng chia sẻ, do diễn biến thời tiết những năm gần đây ngày càng xấu đi, nhiệt độ trái đất tăng 3 độ C so với thế kỷ 19, mực nước thượng nguồn cũng có sự thay đổi lớn nên đã tác động đến lưu lượng nước hạ nguồn sông Mê Kông.

Để ứng phó được sự thay đổi của thiên nhiên, các địa phương phải thích ứng, thân thiện bằng cách thay đổi lịch mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng tiểu vùng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng mở rộng khung pháp lý để hỗ trợ thiên tai cho những người bị thiệt hại, hỗ trợ về giống cho nông dân khoảng 2 triệu đồng/ha.

Mặc dù công tác tuyên truyền được thực hiện trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Các địa phương cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền từ cấp huyện đến xã, từng hộ, từng nông dân để họ hiểu rõ hơn nữa hậu quả của việc xé rào xuống giống ngoài vùng canh tác, sử dụng nguồn nước sinh hoạt thật hiệu quả, tưới tiêu tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước ngọt cho tất cả mọi người.

Các nhà khoa học tăng cường nghiên cứu thêm các giống lúa, cây trồng, vật nuôi mới phù hợp và có khả năng chịu mặn cao hơn các giống hiện nay để thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, khắc nghiệt, hiện tượng mặn xâm ngày càng sớm, sâu và kéo dài hơn, thường xuyên hơn.

Mặc dù hiện nay gần 100 quốc gia trên thế giới đều đồng tình hưởng ứng việc giảm phát thải khí nhà kính để nhiệt độ trái đất không tăng so với thế kỉ 19, nhưng công tác vận động, chuẩn bị phòng hạn, chống mặn lâu dài vẫn tiếp tục thực hiện để đảm bảo đời sống và sản xuất cho người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết.

Tại cuộc họp phòng chống hạn, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày 17/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các địa phương phải chủ động giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sản xuất và cuộc sống của nhân dân, nhất là nước uống, mỗi địa phương phải có biện pháp cụ thể, giải quyết nhanh và kịp thời, đừng để thủ tục kéo dài ảnh hưởng đến nhân dân, gắn liền với các biện pháp dài hơi và chủ động.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải chủ động các giải pháp sử dụng nước ngọt hiệu quả để người dân có thể sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là nguồn nước cho ăn uống được ưu tiên hàng đầu để tránh tình trạng thiếu nước, đói và dịch bệnh bùng phát khi hạn kéo dài.

Ứng phó lâu dài

Bên cạnh các giải pháp mềm thì các giải pháp xây dựng cống bọng ngăn mặn, nạo vét kênh mương trữ ngọt cũng được đề xuất. Với tình trạng mặn xâm nhập gậy thiệt hại nhiều diện tích lúa Đông Xuân hiện nay, hệ thống cống của các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn không đủ sức chống chịu. Vì vậy, mỗi địa phương có giải pháp riêng phù hợp với tiểu vùng của mình.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra hạn hán tại Ninh Thuận và làm việc với các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Bình Phước về công tác chống hạn. Ảnh: Đức Ánh-TTXVN

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, người dân cũng nhận thức được hậu quả của xâm mặn hại lúa, hại tôm nên đã phối hợp cùng chính quyền địa phương các tỉnh tôn cao bờ bao các ao tôm, nâng cấp đường giao thông nông thôn ngăn nước mặn dâng cao tràn bờ.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các huyện chủ động lấy nước rừng tràm trước 1 tháng khi mùa hạn đến để ngọt hóa kênh mương, phòng chống cháy rừng trong mùa hạn kéo dài sắp tới.

Tại tỉnh Tiền Giang, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân không gieo sạ ở những nơi trong vùng nguy cơ thiếu nước nhưng nhiều hộ vẫn gieo sạ. Khi hạn mặn đến đã thiệt hại gần 700 ha lúa. Với những diện tích còn lại, Chi cục Thủy lợi thực hiện bơm nước 2 cấp vào các kênh mương để nông dân có nước tưới lúa, cứu những diện tích lúa và hoa màu còn lại.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã nêu rõ, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam tích hợp nguồn nước sông Mê kông trong và ngoài nước theo chu kì nửa tháng 1 lần và gửi đến cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long kịp thời ứng phó.

Đồng thời, các địa phương gia cố cống bọng, xây dựng cấp kì 82 đập tạm tại tỉnh Kiên Giang bằng nguồn kinh phí 2.300 tỷ đồng dự phòng cho ngành nông nghiệp. Với các địa phương thiếu nước ngọt nghiêm trọng thì phải khoan giếng ngay để cung cấp nước ngọt cho người dân sử dụng.

Hiện nay, nguồn kinh phí của Chính phủ hiện không đủ để nâng cấp đê bao, cống ngăn mặn. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy tiến độ thực hiện 2 dự án huy động nguồn vốn ODA là WB6 và WB9 với tổng kinh phí hơn 500 triệu USD.

Tuy nhiên để hệ thống đê, cống của vùng này hoàn thiện chặt chẽ, liên hoàn có thể mất hơn 1 tỷ USD. Do đó, song song với việc huy động nguồn vốn ODA và nguồn vốn chính phủ thì mỗi địa phương phải có giải pháp cụ thể về hoàn thành đê, cống đối với từng tiểu vùng để đáp ứng nhanh nhất yêu cầu chống mặn, hạn hiện nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục