Hàng Việt đang bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng

17:19' - 23/08/2017
BNEWS Đáng chú ý, vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp trong nước, mà còn diễn ra giữa doanh nghiệp ngoại với doanh nghiệp nội.
Hàng Việt đang bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng. Ảnh minh họia: K GỬIH -TTXVN
Ngày 23/8, tại "Tọa đàm về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến lĩnh vực thực phẩm", do Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội chế biến Lương thực Thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh tổ chức, các doanh nghiệp đã phản ánh, nhiều nhãn hiệu sản phẩm của Việt Nam đang bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng. Đáng chú ý, vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp trong nước, mà còn diễn ra giữa doanh nghiệp ngoại với doanh nghiệp nội.

*Công nghệ sản xuất tinh vi

Báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh, cho thấy tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, xu thế hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, ngày càng tăng về quy mô, tinh vi về công nghệ cũng như thủ đoạn. Khảo sát thực tế trên thị trường, có thể dễ dàng phát hiện bất kỳ hàng hóa nào bán chạy đều xuất hiện hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Theo ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng phòng Tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường, hàng giả, hàng nhái không chỉ do các đối tượng trong nước sản xuất, mà còn được nhập khẩu từ nước ngoài thông qua nhiều con đường khác nhau; trong đó, hàng giả, hàng nhái, được sản xuất trong nước chủ yếu dưới dạng sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở nhiều địa điểm khác nhau, sau đó được lắp ráp, đóng gói thành phẩm tại một nơi khác.

Cụ thể, khi có đơn đặt hàng, các đơn vị sản xuất kinh doanh mới gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ cho hàng hóa và giao cho khách hàng. Đồng thời, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, chứ không chứa trữ, cất giữ nhằm né tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

Còn hàng giả, hàng nhái sản xuất từ nước ngoài thâm nhập vào thị trường nội địa qua nhiều con đường như nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, buôn lậu... để gia công, đóng gói, pha trộn, lắp ráp... sau đó mới đưa ra thị trường tiêu thụ.

Phân tích về các phương thức sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, một số chuyên gia cho rằng: Hiện nay, công nghệ sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái của các đối tượng rất hiện đại, tinh vi, nên ngay cả các cơ quan chức năng cũng gặp thách thức lớn trong phân biệt, mà chỉ có những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đó dùng nghiệp vụ riêng mới có thể nhận biết và kiểm định.

Đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái hoặc nhập khẩu thường tập trung khu dân cư đông đúc ở nội thành hoặc khu ngoại thành hẻo lánh. Còn nơi kinh doanh tập trung tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, đường phố, lề đường… Đặc biệt, các đối tượng này thường xuyên thay đổi địa điểm, giao hàng chia thành nhiều đợt với số lượng ít, bày bán nơi kinh doanh với số lượng ít, cất giấu nơi kín đáo.

Ghi nhận thực tế tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh, những sản phẩm phổ biến thường bị làm giả trong nước là hàng tiêu dùng thiết yếu, điện máy, phụ tùng xe, quần áo, thời trang có giá trị thường đến cao cấp, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, phân bón...

Riêng hàng giả sản xuất tại nước ngoài, thường là những loại hàng trong nước không sản xuất được hoặc muốn sản xuất phải mất chi phí cao như hàng điện tử, điện lạnh, phụ tùng ô tô, thiết bị viễn thông, hàng giả những nhãn hiệu nổi tiếng…

* Cần sự phối hợp các nhà

Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do, các doanh nghiệp nội không chỉ đối mặt với việc xâm phạm nhãn hiệu mà còn có nguy cơ vi phạm quyền sở hữu thương hiệu chỉ dẫn địa lý. Điển hình, là những vụ việc kiện tụng kéo dài liên quan đến nhãn hiệu như nước mắm Phú Quốc, gia vị Bún Bò Huế, Cà phê Trung Nguyên...

Do vậy, muốn ngăn chặn và từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cần phải thực hiện cuộc vận động người tiêu dung tẩy chay sử dụng hàng gian, hàng giả. Đồng thời, tăng biện pháp chế tài thật mạnh, thậm chí nâng lên mức xử lý hình sự chứ không nên dừng mức phạt vài chục triệu đồng như hiện nay.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội chế biến Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như doanh nghiệp cũng cần đầu tư dây chuyền công nghệ mới, hiện đại, kết hợp quản lý chặt chẽ đội ngũ nhân viên với chủ động đăng ký bảo hộ quyền sở hữa trí tuệ, sở hữu công nghiệp (bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh).

Song song đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh nên chủ động và chú trọng thực hiện đầy đủ các quy định về công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật; đăng ký mã số, mã vạch…; trong đó, có kế hoạch và chiến lược bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp một cách dài hạn.

Về phía cơ quan chức năng liên quan, các doanh nghiệp đề xuất: Bộ, ngành nên đẩy mạnh xây dựng hình thức xử lý vi phạm đủ mạnh để xử phạt và răn đe những tổ chức, cá nhân sản xuất và buôn bán hàng giả, phải có cơ chế phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật.

Riêng đối với người tiêu dùng, các tổ chức đoàn thể cần thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân chống lại tệ nạn hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng. Có như vậy, công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả mới có hiệu quả cao nhất.

Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, để việc phối hợp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới, đặc biệt là những tháng cuối năm 2017, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng liên ngành, thì vai trò của chính quyền địa phương của 24 quận - huyện trên địa bàn thành phố rất quan trọng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Điển hình, việc kiểm tra và xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường đã rất khó khăn, tuy nhiên việc giám sát, kiểm soát những địa điểm chứa trữ, kho hàng hóa nhập lậu, hàng giả còn gặp nhiều thách thức hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục