Hành lang kết nối, phát triển - Bài 3: Phát triển logistics tương xứng với lợi thế

15:51' - 08/05/2023
BNEWS Logistics là một phần của chuỗi cung ứng bao gồm tổng thể những công việc liên quan đến hàng hóa gồm đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản cho tới khi hàng được giao đến người tiêu thụ cuối cùng.

Các tỉnh, thành: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đang chú trọng phát triển hệ thống các trung tâm logistics trên Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC); trong đó, tập trung ở cảng biển, đường bộ, đường bộ sắt, sân bay và cửa khẩu.

*Trung tâm logistics Đà Nẵng

Logistics là một phần của chuỗi cung ứng bao gồm tổng thể những công việc liên quan đến hàng hóa gồm đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản cho tới khi hàng được giao đến người tiêu thụ cuối cùng.

Theo Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố có 1.056 doanh nghiệp logistics; trong đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hoá đường bộ chiếm phần lớn với trên 680 doanh nghiệp. Còn lại là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan đến vận tải đường biển, dịch vụ giao nhận vận chuyển, cung cấp dịch vụ kho bãi, cung cấp dịch vụ bốc xếp, cung cấp dịch vụ logistics tích hợp.

Logistics ở cảng biển của Đà Nẵng đang phát triển rất nhanh do nằm ở “cửa ngõ” trên EWEC. Năm 2018, Dự án cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đưa vào khai thác góp phần phát triển đồng bộ hệ thống logistics phục vụ cảng biển, tạo nền tảng trở thành cảng container hiện đại trong khu vực và có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp tải trọng 70.000 tấn, tàu container và tàu khách loại lớn, bảo đảm năng lực tiếp nhận hàng hoá qua cảng 12 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, Đà Nẵng đang triển khai đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu thành cảng cửa ngõ quốc tế, công suất đạt 50 triệu tấn/năm vào năm 2050, tiếp nhận tàu tải trọng 100.000 tấn và tàu công container.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Đồng thời, là mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế, xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm logistics và là thành phố cảng biển.

Đà Nẵng cũng tập trung phát triển hệ thống logistics đối với đường sắt, hàng không và đường bộ. Ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng cho biết: Địa phương quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt thường quốc gia đi cùng EWEC, chạy song song đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Quy hoạch tuyến đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum kết nối với tuyến đường sắt Bắc – Nam. Trên cơ sở này hình thành trung tâm logistics đường sắt tại khu vực giao cắt giữa tuyến đường sắt với tuyến đường bộ quốc gia. Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt 25 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm, là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế và khu vực.

Giai đoạn sau năm 2030, địa phương nghiên cứu cải tạo, nâng cấp đường băng cất, hạ cánh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; đồng thời đầu tư xây dựng khu kho hàng logistics ở phía Tây của sân bay này. Đối với đường biển địa phương tiếp tục phát triển Trung tâm logistics hàng hải tại khu vực phía Bắc vịnh Đà Nẵng gắn với đầu tư phát triển khu cảng Liên Chiểu. Với đường bộ hình thành các trung tâm logistics dọc tuyến vành đai kinh tế phía Tây, phân tuyến tránh Nam hầm đèo Hải Vân và dọc Quốc lộ 1A đoạn qua các xã: Hòa Châu, Hòa Phước, huyện Hòa Vang.

Hạn chế trong phát triển logistics ở Đà Nẵng là phần lớn các doanh nghiệp dịch vụ logistics là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động nhỏ lẻ manh mún, mới chỉ khai thác một hoặc một số hoạt động logistics trong toàn bộ chuỗi cung ứng; trong đó, phổ biến nhất dịch vụ giao nhận vận tải nhưng phạm vi hoạt động chỉ trong nội địa hoặc giới hạn một vài nước trong khu vực.

Để khắc phục tồn tại này, theo Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Đà Nẵng, trong thời gian tới Đà Nẵng cần xây dựng các trung tâm logistics cấp I quốc gia, cấp II của vùng và các trung tâm logistics chuyên dụng đảm bảo cung cấp dịch vụ trung chuyển hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất trong nước, xuất nhập khẩu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có khả năng cung cấp dịch vụ logistics cạnh tranh, thu hút luồng hàng hóa quốc tế trung chuyển trên EWEC.

Đồng thời, tập trung vào phát triển các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như giao nhận “từ cửa tới cửa” ở lĩnh vực hàng hải và hàng không, quản lý dữ liệu, kiểm soát chất lượng hàng hóa, kiểm soát quá trình sản xuất, quét và in mã vạch, thu kiểm và chuyển chứng từ, phân phối hàng.

 

*Thúc đẩy logistics ở cảng biển, cửa khẩu

Ngoài Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam cũng đang tập trung phát triển logistics ở cảng biển và khu vực cửa khẩu đường bộ.

Tỉnh Quảng Trị có thế mạnh về phát triển hệ thống logistics ở hai Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay, do đều nằm ở điểm đầu trên tuyến EWWC về phía Việt Nam. Khu vực các cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Densavan và La Lay - La Lay có mặt bằng thuận lợi để đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, trong khi phương tiện và hành khách xuất nhập cảnh ngày càng tăng mạnh.

Năm 2022 phương tiện vận tải qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đạt hơn 181.830 lượt, hành khách xuất nhập cảnh đạt 438.405 lượt. Cũng năm này, Cửa khẩu quốc tế La Lay có trên 54.160 lượt phương tiện vận tải qua, hơn 104.630 hành khách xuất nhập cảnh.

Hạ tầng logistics cũng được quan tâm đầu tư với cảng biển Cửa Việt có năng lực thông quan 1,14 triệu tấn/năm. Cảng biển Mỹ Thủy kết nối với Cửa khẩu quốc tế La Lay thông qua Quốc lộ 15D, đang trong quá trình đầu tư 10 bến với diện tích 685 ha, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000 tấn, tổng vốn đầu tư 14.200 tỷ đồng.

Theo ông Trần Hữu Tình, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hợp Thịnh thuộc cảng biển Cửa Việt, vận tải biển vẫn hiệu quả nhất khi tàu biển chở được nhiều hàng nhất với quãng đường xa nhất nhưng chi phí ít nhất.

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, cảng biển Chân Mây có thể tiếp nhận tàu đến 70.000 tấn, tàu khách du lịch cỡ lớn và là “cửa ngõ” ra Biển Đông trên tuyến EWEC kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar. Cảng Chân Mây hiện có 3 cầu cảng hoạt động với tổng chiều dài khoảng 910m; trong đó, cầu cảng bến số 1và số 2 được tiếp nhận tàu container. Cảng biển này đang tiếp tục được đầu tư để phát triển hệ thống logistics.

Theo đó, Công ty cổ phần cảng Chân Mây đang đầu tư hệ thống kho bãi chứa các container với diện tích khoảng 1,8ha, nhằm từng bước đảm bảo hạ tầng thiết yếu để kêu gọi các hãng tàu mở tuyến trung chuyển hàng xuất, nhập khẩu đi Hải Phòng và Tp. Hồ Chí Minh, đặc biệt là hàng hóa từ nước bạn Lào.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển logistics dựa vào hệ thống cảng biển đã được quy hoạch, đầu tư bài bản và các khu công nghiệp, khu kinh tế đang phát triển nhanh. Thời gian tới, khi hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ sẽ tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp, du lịch và logistics để khai thác tối đa lợi thế tuyến EWEC.

Hiện tại, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đang phát triển cảng biển Chu Lai thành cảng container lớn nhất miền Trung; đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quốc tế kết nối vùng Tây Nguyên, Lào, Thái Lan về cảng này để xuất khẩu.

Hệ thống logistics ở Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) cũng đang phát triển mạnh, khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa thông qua cửa khẩu này tăng nhanh. Theo Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp Quảng Nam, các doanh nghiệp kỳ vọng Quốc lộ 14D và 14E được nâng cấp, sửa chữa năm 2023 thì mỗi ngày có hàng chục phương tiện vận tải vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp, than… từ Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan về Quảng Nam với khoảng gần 1.000 tấn qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế nhận định, hạn chế trong phát triển logistics trên EWEC là lượng hàng hóa đi qua suốt hành lang này còn ít so với tiềm năng, chỉ một số đoạn có lượng hàng lưu thông tốt như: Đà Nẵng – Lao Bảo (Quảng Trị), Lao Bảo – Savannakhet (Lào).

Nguyên nhân là do lượng hàng giao thương giữa các vùng kinh tế trên tuyến EWEC chưa cao; thủ tục và chi phí cho hàng hóa lưu thông toàn tuyến còn chưa thực sự thuận lợi, làm cho các nhà xuất khẩu, nhập khẩu lựa chọn những tuyến khác để vận chuyển.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, các địa phương trên EWEC về phía Việt Nam cần tiến hành rà soát kỹ để bổ sung dự án logistics trọng điểm vào quy hoạch về logisitcs, để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, quy hoạch vùng và quốc gia.

Cùng đó, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước ở địa phương bao gồm các chính sách như: hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, đầu tư, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý trong chuỗi dịch vụ logistics đảm bảo phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ và bộ, ngành Trung ương hỗ trợ các địa phương kêu gọi thu hút đầu tư vào dự án logistics.

Theo Chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Đà Nẵng, để phát huy được tiềm năng của EWEC cần cơ cấu lại lĩnh vực logistics dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đầu tiên các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành logistics. Đồng thời, cần ứng dụng các công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng mặt trời trong xây dựng hệ thống logistics xanh.

Việc tự động hóa trong vận hành, khai thác ngành logistics cũng cần được đẩy mạnh như: Sử dụng máy soi chiếu lớn tại sân bay, cho phép soi chiếu toàn bộ lô hàng không cần thực hiện trực tiếp bởi con người, ứng dụng tự động hóa và robot trong phân loại và vận chuyển hàng hóa tại các doanh nghiệp logistics, bưu chính.

>>> Bài cuối: Tạo trục động lực mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục