Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á chốt phiên 2/3 giảm điểm mạnh

16:30' - 02/03/2022
BNEWS Chốt phiên 2/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 451,69 điểm, xuống 26.393,03 điểm, chỉ số Hang Seng giảm 417,79 điểm, xuống 22.343,92 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 4,64 điểm, xuống 3.484,19 điểm.
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á lao dốc trong phiên 2/3, khi các nhà đầu tư thêm lo ngại về tác động từ xung đột giữa Nga và Ukraine đến các nguồn cung năng lượng và đà phục hồi của nền kinh tế.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chốt phiên giảm 1,68%, hay 451,69 điểm, xuống 26.393,03 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong  (Trung Quốc) giảm 1,84%, hay 417,79 điểm, xuống 22.343,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,13%, hay 4,64 điểm, xuống 3.484,19 điểm. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,16%, hay 4,34 điểm, lên 2.703,52 điểm.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã khiến các thị trường toàn cầu biến động trong tuần qua, làm gia tăng lo ngại về lạm phát và việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ. Cuộc khủng hoảng đã khiến nhiều nước thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga, đe dọa làm tăng trưởng kinh tế của nước này sụt giảm mạnh.

Các biện pháp trừng phạt đã khiến các nguồn cung các mặt hàng chủ chốt như kim loại và ngũ cốc không được đảm bảo. Giá lúa mỳ trên toàn cầu tăng 30% trong tháng qua, lên mức cao nhất trong 14 năm. Các biện pháp trừng phạt gây lo ngại rằng lúa mỳ từ Nga, nước sản xuất lớn thứ ba thế giới, sẽ không được xuất đi.

Xung đột tại Đông Âu diễn ra khi giá cả đã tăng cao do nguồn cung bị thắt chặt và nhu cầu toàn cầu phục hồi khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau giai đoạn phong tỏa nhằm kiểm soát dịch.

Các nhà giao dịch đang tiếp tục hướng sự chú ý đến cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất lớn, trong đó có Nga, trong ngày 2/3 để thảo luận về việc tăng sản lượng nhằm hạn chế đà tăng của giá dầu, một nguyên nhân khiến lạm phát tăng.

Giá dầu tăng khi lạm phát tại Mỹ đã ở mức cao kỷ lục 40 năm, ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng trong thời điểm nền kinh tế phục hồi sau cú sốc đại dịch.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ, do lo ngại về những tác động đến sự phục hồi của nền kinh tế.

Tại Việt Nam, chốt phiên 2/3, chỉ số VN-Index giảm 13,26 điểm (0,88%) xuống 1.485,52 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 1,31 điểm (0,3%) xuống 442,25 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục