Hầu hết chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 22/6

17:57' - 22/06/2022
BNEWS Chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống trong phiên giao dịch ngày 22/6, "phớt lờ" đà tăng tiếp diễn trên Phố Wall trong đêm trước, do lo ngại dai dẳng về xu hướng tăng lãi suất và lạm phát cao.

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản giảm 1,39%. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn tăng 1,02% từ mức thấp nhất hơn 5 tuần ghi nhận vào ngày 20/6.

Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 96,76 điểm (0,37%), xuống 26.149,55 điểm, do các nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo chốt lời sau khi thị tường chứng khoán Tokyo tăng điểm mạnh vào phiên trước đó. Các mã cổ phiếu giảm mạnh nhất liên quan đến khai thác mỏ, vận tải biển và bán lẻ.

Đồng USD giao dịch quanh ngưỡng 136 yen đổi 1 USD, sau khi leo lên mức 136,71 yen đổi 1 USD tại thị trường New York trong đêm trước, mức cao nhất kể từ tháng 10/1998, do triển vọng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản ngày càng gia tăng. Đồng yen được giao dịch ở mức 115 yen đổi 1 USD so với đồng USD vào đầu năm nay, nhưng đã trượt dốc nhanh chóng trong những tháng gần đây, do lo ngại rằng giá năng lượng và thực phẩm nhập khẩu cao hơn có thể gây áp lực lên hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng.

Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tiếp tục đi xuống, mất gần 3% trong phiên này, do lo ngại về nguy cơ suy thoái khiến các nhà đầu tư tránh các tài sản rủi ro, giữa lúc các nền kinh tế lớn đồng loạt thắt chặt chính sách tiền tệ. Đồng won của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất 13 năm so với đồng USD. Chốt phiên, chỉ số Kospi giảm 66,12 điểm (2,74%), xuống 2.342,81 điểm.

Không nằm ngoài xu hướng trên, tại thị trường Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc) đồng loạt giảm điểm, do thời tiết khắc nghiệt ở một số khu vực của nước này làm gia tăng sự không chắc chắn đối với đà phục hồi kinh tế từ các cú sốc liên quan đến đại dịch COVID-19. Các dấu hiệu của cuộc đàn áp mới đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc cung ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường Hong Kong. Khép lại phiên này, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt hạ 1,2% và 2,56%, xuống 3.267,2 điểm và 21.008,34 điểm.

Các đợt nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung Trung Quốc làm nhu cầu sử dụng điện tăng cao kỷ lục tại Trung Quốc, khi hàng triệu người bật điều hòa nhiệt độ để thoát khỏi thời tiết nóng ngột ngạt, trong khi lũ lụt diễn ra ở khu vực phía Nam khiến cư dân nhiều thành phố và làng quê bị mắc kẹt. Nhà đầu tư lo ngại rằng lũ lụt có thể thúc đẩy sự gián đoạn chuỗi cung ứng vốn đã bị tắc nghẽn.

Thêm vào đó, lo ngại về sự kìm hãm đối với các công ty công nghệ, trong khi triển vọng tăng trưởng toàn cầu, lạm phát cao và việc nhiều nước thắt chặt hơn các điều kiện tài chính cũng khiến tâm lý của nhà đầu tư bị tổn thương. Lĩnh vực công nghệ là một trong những ngành chứng kiến mức giảm điểm mạnh nhất phiên này.

Tại Việt Nam, phiên giao dịch 22/6 ghi nhận diễn biến giằng co và phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành; trong đó, nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản và chứng khoán đua nhau bứt phá.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,2 điểm xuống 1.169,27 điểm. Toàn sàn có 295 mã tăng, 181 mã giảm và 42 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,77 điểm lên 269,39 điểm. Toàn sàn có 147 mã tăng, 62 mã giảm và 38 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,6 điểm lên 85,63 điểm.

Về thanh khoản thị trường, tổng giá trị khớp lệnh đạt 14.200 tỷ đồng, giảm 9,9%; trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 12,3% xuống còn 11.914 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng khoảng 20 tỷ đồng trên HoSE./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục