Hầu hết người dân Nhật Bản đứng ngoài cuộc giữa lúc chứng khoán lên đỉnh

09:39' - 12/03/2024
BNEWS Không giống "cơn sốt" mua cổ phiếu đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư ở thời kỳ đỉnh điểm của bong bóng kinh tế trong hơn ba thập kỷ trước, hầu hết người dân Nhật Bản vẫn đứng ngoài cuộc thời gian này.

Giữa bối cảnh chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản tiếp tục tăng vọt lên mức cao kỷ lục, vượt mức đỉnh được ghi nhận vào năm 1989, hoạt động đầu tư một lần nữa lại thu hút sự quan tâm ở quốc gia mà người dân thường ưa thích sự an toàn của tiền tiết kiệm.

 

Nhưng không giống như "cơn sốt" mua cổ phiếu đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư ở thời kỳ đỉnh điểm của bong bóng kinh tế trong hơn ba thập kỷ trước, hầu hết người dân Nhật Bản vẫn đứng ngoài cuộc trong thời gian này. Lý do là họ nhận thấy rất ít lợi ích từ việc giá cổ phiếu tăng trong bối cảnh phải vật lộn để đối phó với lạm phát cao hơn và tiền lương sụt giảm. Trong khi đó, nhiều người đang đầu tư dường như vẫn đang quan ngại về triển vọng kinh tế, trái ngược với sự lạc quan mạnh mẽ về nền kinh tế từng đánh dấu sự bùng nổ đầu tư trước đó.

Cô Mamiko Maruyama, một nhân viên 49 tuổi trong ngành mỹ phẩm, đang tham gia các lớp học tại Học viện Tài chính, một trường đầu tư ở Tokyo chuyên tổ chức các buổi hội thảo về quản lý tài sản. Cô nói rằng cô chuyển sang đầu tư vì sợ rằng nếu chỉ dựa vào công việc chính của mình có thể không đủ cho tương lai.

Cô Maruyama cho biết, nguồn thu nhập bị mất trong đại dịch COVID-19 đã giúp cô mở mang tầm mắt về tầm quan trọng của việc đầu tư, và đà tăng vọt gần đây của chỉ số Nikkei 225 khiến cô cân nhắc việc tăng cường đầu tư vào chứng khoán Nhật Bản.

Bà mẹ hai con này cho biết: “Thế hệ của chúng tôi luôn được dạy rằng tốt nhất là nên tiết kiệm, nhưng điều đó không giúp tiền tăng lên. Tôi cần đầu tư nhiều hơn vì tôi biết lương của mình sẽ không tăng mạnh”.

Cô Rie Fujikawa, một giáo viên tại Học viện Tài chính có trụ sở tại Tokyo, cho biết cô nhận thấy ngày càng có nhiều người ở độ tuổi 20 đến 40 tham gia các lớp học trong vài năm qua. Cô cũng nhận thấy sự gia tăng đáng kể các câu hỏi về chương trình miễn thuế đầu tư mới của Chính phủ mang tên NISA, được cải tiến vào tháng 1/2024, nhằm theo kịp nỗ lực của Chính phủ về việc khuyến khích chuyển đổi từ tiết kiệm sang đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Theo ông Tomoichiro Kubota, nhà phân tích thị trường cấp cao của Matsui Securities Co, 900.000 tài khoản đầu tư chứng khoán mới đã được mở tại 5 công ty môi giới trực tuyến lớn của Nhật Bản chỉ trong tháng 1/2024, phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc đầu tư của người dân Nhật Bản. Ông nói: “Việc giới thiệu chương trình NISA mới đã mở rộng đáng kể cơ sở nhà đầu tư, vì hầu hết những người mở tài khoản NISA đều là những người chưa từng tham gia đầu tư chứng khoán trước đây”. Tuy nhiên, ông Kubota cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là động lực chính thúc đẩy chỉ số Nikkei 225 tăng vượt ngưỡng 40.000 điểm.

Tỷ lệ cổ phiếu do các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ trong các công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Tokyo trong năm tài khóa 2022-2023 giảm xuống 17,6%, từ mức 20,4% của năm tài khóa 1990-1991. Ngược lại, tỷ lệ cổ phần do các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài nắm giữ đã tăng từ 4,7% lên 30,1% trong cùng giai đoạn.

Sự miễn cưỡng của người Nhật khi đầu tư vào cổ phiếu được thể hiện rõ nét khi tính đến cuối tháng 3/2023, chỉ có khoảng 15% tài sản của hộ gia đình được giữ dưới dạng cổ phiếu và quỹ tín thác đầu tư, kém xa tỷ lệ tương ứng 51% ở Mỹ và 31% ở châu Âu. Tuy nhiên, theo ông Masaya Sakuragawa, Giáo sư kinh tế tại Đại học Keio, “trên thực tế, giá cổ phiếu tăng vẫn không giúp tiêu dùng cá nhân tăng trưởng”.

Theo dữ liệu gần đây của Chính phủ, chi tiêu hộ gia đình của Nhật Bản trong tháng 1/2024 đã giảm so với một năm trước đó, đánh dấu tháng giảm thứ 11 liên tiếp do mức tăng lương không theo kịp lạm phát. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế gần đây của Nhật Bản đã chậm lại đáng kể, cách xa mức tăng trưởng thực tế khoảng 5% vào năm 1989 và 1990.

Bầu không khí xã hội hoàn toàn trái ngược với bầu không khí vào cuối những năm 1980, khi các sản phẩm hàng hiệu cao cấp thu hút sức mua mạnh mẽ và giá bất động sản tiếp tục tăng trong bối cảnh niềm lạc quan về nền kinh tế gia tăng. Các chuyên gia cho biết, kể từ đó, bối cảnh kinh tế Nhật Bản đã thay đổi trước nhu cầu nội địa suy yếu, dân số già hóa và thu hẹp, khiến các công ty phải tái cơ cấu và dự phòng lợi nhuận để chuẩn bị cho rủi ro khủng hoảng tài chính toàn cầu và các vấn đề địa chính trị.

Vào cuối tháng Hai vừa qua, một nhà đầu tư tự do 63 tuổi tại Nhật Bản cho biết: “Có vẻ như sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán gần đây chỉ mang lại lợi ích cho những người giàu có, trong khi những người làm công ăn lương tiếp tục gặp khó khăn”.

Anh Ryo Tezuka, kỹ sư 43 tuổi, cho biết anh không có kế hoạch đầu tư vào cổ phiếu trong thời điểm hiện tại vì lương khó tăng và anh không đủ khả năng đầu tư. Anh nói: “Tôi hy vọng rằng sự gia tăng giá cổ phiếu sẽ được phản ánh qua mức lương của tôi”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục