“Hậu phương” trong phòng chống COVID: Bài 2 - Những tấm áo blouse gửi tặng “tiền tuyến”

14:55' - 23/08/2020
BNEWS Chi hội Phụ nữ số 15, phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) đang may những bộ đồ dành tặng cho các bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch.

Tiếng “tạch tạch” phát ra đều đặn, rộn rã từ 4 chiếc máy khâu trên căn gác nhỏ, những khuôn mặt tập trung thấp thoáng sau chiếc khẩu trang, những công đoạn sản xuất nhịp nhàng được lặp đi lặp lại, những bộ đồ blouse màu xanh nhạt dần thành hình.

Đó là không khí làm việc khẩn trương tại Chi hội Phụ nữ số 15, phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), nơi đang may những bộ đồ dành tặng cho các bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch.

* Yêu thương trong từng đường kim, mũi chỉ

Trong thời gian yên lặng tuân thủ giãn cách, căn nhà nhỏ cuối ngõ thuộc Tổ dân phố 53 (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) bỗng rộn ràng tiếng máy khâu. Đó là nhà bà Nguyễn Thị Thu Nga, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 15, cũng là nơi các chị em trong Chi hội thường xuyên tập trung để làm tình nguyện vì cộng đồng.

Sau khi trình bày ý tưởng và được sự đồng ý của Hội Phụ nữ phường Hòa Thọ Đông, bà Thu Nga cùng 4 hội viên khác đã triển khai chương trình may áo blouse tặng các bác sỹ tuyến đầu chống dịch.

Bà Thu Nga chia sẻ: “Sau khi nhìn thấy những tấm ảnh bác sỹ ướt đẫm quần áo, bàn tay nhăn nheo vì mồ hôi do mặc đồ bảo hộ liên tục, tôi thấy rất thương. Nhà tôi có làm về thời trang, có sẵn nhiều máy khâu và dụng cụ cần thiết, tôi nảy ra ý tưởng may thật nhiều bộ blouse tặng các y, bác sỹ trong viện. Tôi mong rằng khi có nhiều bộ đồ để thay thường xuyên hơn, các bác sỹ sẽ không bị ướt mồ hôi, đảm bảo sức khỏe tốt hơn. Thật mừng khi ý tưởng đó được Hội Phụ nữ phường và các hội viên nhiệt tình ủng hộ”.

Với quyết tâm cao, sau khi vận động qua điện thoại, 4 chị khác của Chi hội Phụ nữ số 15 đã tập trung tại nhà bà Thu Nga để bắt đầu làm việc. Mục tiêu là trong 7 ngày hoàn thành 50 bộ quần áo blouse để tặng các bác sỹ.

Phòng khách nhà bà Nga được trưng dụng để cắt vải, là ủi quần áo, còn gác xép phía trên là nơi để may và vắt sổ. Các máy khâu được bố trí khoảng cách hợp lý, người ngồi may quay lưng với nhau để đảm bảo giãn cách.

Con gái bà Nga, vốn học và kinh doanh trong lĩnh vực thiết kế thời trang hỗ trợ mẹ rất nhiều trong việc lên phom dáng, tạo kiểu áo.

Mục tiêu sao cho đúng với mẫu của bệnh viện và phải thoải mái, dễ mặc, thay nhanh. Quan trọng nhất là chất vải, để tặng các bác sỹ cần chọn chất vải thoáng mát, mềm mại nên bà Thu Nga đã chọn loại vải tốt nhất.

Chỉ sau 3 ngày, các bộ quần áo blouse đã dần hình thành, đây là những mẫu áo chui cổ tim, cộc tay, quần dài có chun, màu xanh da trời nhạt.

Theo bà Thu Nga, đây là mẫu thông dụng tại các bệnh viện hiện nay, có ưu điểm là khi mặc rất thoải mái, khi thay rất nhanh và tiện, phù hợp mặc bên trong bộ đồ bảo hộ.

Các chị  rất cẩn thận khi làm ra các mẫu nam – nữ riêng và có 3 size phù hợp với nhiều cỡ người khác nhau. Mỗi bộ quần áo được các chị nâng niu, cẩn thận, gửi gắm tình thương, sự trân quý trong từng đường kim, mũi chỉ.

* Phụ nữ luôn sẵn sàng

Để có được những bộ quần áo bền đẹp tặng các bác sỹ, các cô, các chị trong Hội Phụ nữ đã chăm chỉ làm việc từ 7 giờ đến 18 , 19 giờ hàng ngày. Nhiều người trong đó đã tạm gác lại hoàn cảnh khó khăn của bản thân để phục vụ công tác chống dịch.

Chị Nguyễn Thị Thùy Vân (42 tuổi, Hội viên Chi hội Phụ nữ số 15) làm nghề may thủ công tại nhà, điều kiện kinh tế vốn đã khó khăn, lại phải nuôi hai con nhỏ.

Năm nay, dịch COVID-19 tác động lớn đến công việc của chị, các mối hàng đều chững lại, thu nhập ngày càng bấp bênh.

Nhưng chị vẫn rất hăng hái, là người đầu tiên tham gia chương trình may quần áo cho bác sỹ của bà Thu Nga.

Chị Thùy Vân chia sẻ: “Tôi theo nghề may quần áo đã được 3 năm, khi nghe Hội Phụ nữ kêu gọi may quần áo cho các bác sỹ, tôi thấy đây là một việc làm rất ý nghĩa nên đã đăng ký tham gia ngay.

Hiện giờ mình cũng khó khăn nhưng các bác sỹ đang ngày đêm vất vả trong bệnh viện còn khó khăn hơn gấp bội, tôi sẵn sàng làm mọi việc có thể để chia sẻ gánh nặng với lực lượng tuyến đầu chống dịch”.

Nói về hoạt động của chị em trong mùa dịch, bà Nguyễn Thị Tố Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hòa Thọ Đông cho biết, đã thành lập nhiều Tổ phụ nữ tình nguyện vì cộng đồng tại các cơ sở.

Từ cuối tháng 7 đến nay, Hội Phụ nữ phường đã vận động, quyên góp được hơn 56 triệu đồng để tặng quà hỗ trợ lực lượng chống COVID-19, cho các gia đình chính sách, các phụ nữ yếu thế, phụ nữ ngoại tỉnh bị kẹt lại Đà Nẵng...

“Riêng về việc may quần áo tặng bác sỹ, đây là một ý tưởng mới, đang được triển khai thử nghiệm tại các Chi hội số 14, 15, nơi có các Chi hội trưởng là thợ may và nhà có sẵn thiết bị máy móc. Dự kiến đầu tuần sau, khi hoàn thành 50 bộ đồ, chúng tôi sẽ phối hợp với Hội Phụ nữ quận Cẩm Lệ trao tặng đến các bệnh viện có nhu cầu. Các chị em gửi gắm rất nhiều tâm huyết, chúng tôi đang kêu gọi thêm nguồn kinh phí mua nguyên vật liệu, để tiếp tục mở rộng, triển khai chương trình này.” – Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hòa Thọ Đông cho biết.

Với bà Nguyễn Thị Thu Nga, trong đợt dịch đầu tiên tại Đà Nẵng vào tháng 4 năm nay, bà đã tự may và phát miễn phí 5.000 chiếc khẩu trang vải cho người dân có nhu cầu.

Đợt dịch thứ hai này, bà lại tiếp tục kêu gọi và may tặng quần áo blouse cho các bác sỹ tuyến đầu chống dịch.

Vừa làm công việc nội trợ, vừa trông 2 cháu ngoại, vừa bán tạp hóa nhỏ tại gia, vừa làm từ thiện nhưng người phụ nữ 56 tuổi này vẫn rất nhiệt tình, tâm huyết. 

Bà Nguyễn Thị Thu Nga khẳng định: “Tôi không ngại khó, ngại khổ, nếu được hỗ trợ nguyên vật liệu, tôi cùng các chị em trong tổ có thể may được tối đa 2.000 bộ quần áo blouse mỗi tháng để dành tặng các y, bác sỹ. Tôi mong góp phần tiếp thêm năng lượng, sức khỏe cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hiện giờ chính quyền đã bắt đầu kiểm soát được bệnh dịch, tôi tin những tháng ngày khó khăn sẽ sớm qua đi, trả lại thành phố Đà Nẵng yên bình như đã từng”./.

>>>“Hậu phương” trong phòng chống COVID: Bài 1- Những cựu binh vào cuộc chiến mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục