Hệ lụy từ phát triển nóng cây hồ tiêu: Bài 1: “Vàng đen” không còn là cây tỷ đô

16:19' - 16/01/2020
BNEWS Giá hồ tiêu liên tục đi xuống, nhiều vườn tiêu chết xơ xác vì bị bỏ rơi khiến nhiều nông dân ở những “thủ phủ” hồ tiêu đang phải gánh trên vai những món nợ chưa biết đến bao giờ có thể trả được.
Nhiều vườn hồ tiêu bị bỏ hoang sau khi bị bệnh, giá lao dốc. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu, nhưng Việt Nam lại chưa làm chủ được “cuộc chơi”. Giá tiêu liên tục đi xuống, nhiều vườn tiêu chết xơ xác vì bị bỏ rơi, nhiễm bệnh khiến nhiều nông dân ở những “thủ phủ” hồ tiêu đang phải gánh trên vai những món nợ chưa biết đến bao giờ có thể trả được. Họ mong muốn được khoanh nợ, giãn nợ để có thời gian ổn định tái sản xuất, chuyển đổi sản xuất. Thực trạng này đòi hỏi ngành hàng hồ tiêu cần đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, tổ chức sản xuất an toàn, bền vững gắn với chế biến để đảm bảo hiệu quả.

Bài 1: “Vàng đen” không còn là cây tỷ đô

Chiếm trên 40% về sản lượng và trên 60% về thị phần xuất khẩu, hồ tiêu Việt Nam vươn đến trên 100 thị trường và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới mặt hàng này từ năm 2001. Tuy nhiên, sự phát triển quá “nóng”, vượt xa quy hoạch, không tính đến nhu cầu thị trường đã biến một ngành hàng một thời được xem như “vàng đen” giờ không còn là cây tỷ đô.

*Hoang tàn vì tiêu

Năm 2015, giá hồ tiêu lên đỉnh điểm với khoảng 260.000 đồng/kg, biến bao ước mơ tỷ phú của dân nghèo thành hiện thực. Tuy nhiên, tình trạng giá tiêu liên tục lao dốc, dịch bệnh trên cây hoành hành những năm gần đây đang đẩy toàn ngành vào cảnh khó khăn, không ít nông dân vào cảnh nợ nần chồng chất, bỏ xứ đi làm ăn.

Gắn bó với cây hồ tiêu gần 20 năm với 2.000 trụ nhưng cách đây 3 năm, anh Tô Nguyễn Hồ Hải, thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hoà, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã phải bỏ cây này sang trồng cây cà phê. Anh Hải cho biết, khi thấy giá hồ tiêu cao anh cũng như nhiều người trong thôn lao vào đầu tư.

Thời đó, cây tiêu đã có hiện tượng chết nhiều nhưng do giá cao nên nông dân lại càng lao vào trồng. Tuy trồng lâu năm nhưng thời “hoàng kim” của hồ tiêu anh Hải chỉ có khoảng 900 trụ cho thu hoạch. Tiền thu được khi đó, anh Hải lại đem đi mua đất, rồi đầu tư đường điện, giếng nước và máy bơm, nhà trông coi… để trồng tiêu.

Nhưng càng đầu tư, anh Hải càng nợ nhiều. Hiện anh đang còn nợ ngân hàng gần 200 triệu đồng. Anh muốn bán bớt đất để giảm nợ nhưng dù có treo biển giao bán cũng không ai hỏi mua. Do đó, vợ anh phải đi làm xa kiếm tiền trả nợ. Để có nguồn thu cho sinh hoạt và chăm sóc 3 con; trong đó, có một đứa bị bệnh hiểm nghèo phải chăm sóc thường xuyên, anh Hải chỉ dám đầu tư chăn nuôi thêm hơn 20 con dê và từ từ chuyển đổi hồ tiêu sang trồng cà phê. Trong khi địa phương đang khuyến khích nông dân chuyển đổi sang trồng chanh leo cho Nhà máy DOVECO Gia Lai nhưng vì loại cây này cần nhiều nhân công mà gia đình neo người nên anh cũng không dám chuyển đổi.

Cũng trong tình cảnh không còn thiết tha với cây tiêu, ông Võ Hoài Nhơn cùng thôn Hòa Bình cho biết, vườn hồ tiêu ngay sau nhà nay đã được thay thế bằng những gốc sắn. Vườn hồ tiêu xanh tốt khi xưa giờ chỉ còn lại những trụ gỗ xơ xác. Giá hồ tiêu đi xuống, cộng thêm dịch bệnh, ông Nhơn phải gánh khoản nợ 300 triệu đồng. Để trả nợ, ông phải rao bán một phần mảnh đất cả gia đình đang sinh sống, canh tác với hy vọng trả được phần nào nợ cho ngân hàng và có vốn đầu tư vào các loại cây trồng khác.

Nhưng điều ông Nhơn tính toán cũng không xong. “Lúc cao điểm, giá đất ở đây được trả với 40 triệu đồng/m2 nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, chẳng có ai hỏi mua. Đất không bán được, tôi đành vào Bà Rịa - Vũng Tàu làm thuê”, ông Nhơn than thở.

Không chỉ có anh Hải hay ông Nhơn mà rất nhiều nông dân ở Gia Lai nói riêng và ở nhiều địa phương trồng hồ tiêu trọng điểm nói chung nếu không có tiền vốn tự có mà vay vốn chạy đua theo cây hồ tiêu hầu hết lâm vào cảnh nợ nần.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), Ủy viên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, giá tiêu lên đến đỉnh điểm vào năm 2015, nông dân có thể bán được mức giá lên tới 260.000 đồng/kg. Đây là mức cao nhất trong các mặt hàng nông sản. Giá lên cao, lãi khủng càng kích thích người dân đổ xô trồng hồ tiêu. Nhà nhà, người người trồng tiêu, thu được càng nhiều lại đổ tiền ra càng nhiều để mua đất trồng tiêu. Việc đổ xô trồng quá nhiều, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã để lại những hệ lụy hôm nay.

Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cho hay, khi thấy những hộ trồng tiêu có thể thu lợi nhuận 500 triệu đồng/ha, các hộ khác chạy theo trồng. Các hộ chạy theo gặp đúng lúc thị trường đi xuống và cây bị chết khi chưa cho thu hoạch, hậu quả có nhà đã phải bán nhà, bán đất trả nợ.

Theo ông Võ Quốc Trường, Trưởng phòng Trồng trọt - Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, quy hoạch trồng hồ tiêu của Gia Lai đến năm 2020 là 6.000 ha. Tuy nhiên cao điểm, diện tích trồng tiêu trên toàn tỉnh đã lên tới 16.300 ha; trong đó sản xuất nông hộ chiếm trên 97%. Khi tiêu được giá dù có quy hoạch, khuyến cáo, người dân cũng vẫn đổ xô đi trồng tiêu.

Thấy giá cao, nông dân lại càng sử dụng nhiều phân bón để ép tăng năng suất, có trụ tiêu cho sản lượng 8-9kg; trong khi sản xuất tiêu hữu cơ chỉ đạt được 3 - 4kg. Nhiều nông dân vì chạy đua trồng tiêu, không có kỹ thuật, kinh nghiệm nên cây sinh bệnh và chết. Nay diện tích tiêu của tỉnh Gia Lai đã giảm bởi bệnh chết nhanh chết chậm và người dân đã chuyển đổi sang các cây trồng khác như chanh dây, cà phê…

Trước thực trạng khó khăn, thiệt hại của người dân trồng hồ tiêu và họ khó có thể trả nợ đúng hạn, tại “Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu các Hiệp định thương mại tự do” diễn ra tại tỉnh Đắk Nông vào tháng 8/2019, ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đắk Nông đã đề nghị các tổ chức tín dụng cần có chính sách hỗ trợ như giãn nợ, giảm lãi vay và đưa ra hướng xử lý nợ vay để nông dân có thời gian phục hồi  sản xuất…

Trước đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai và đại diện các ngân hàng trên địa bàn tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho người dân vay vốn trồng hồ tiêu vào tháng 5/2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cũng đã đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp theo hướng giãn nợ, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ. Đồng thời, tiếp tục đánh giá thực trạng dư nợ, nợ xấu, khả năng xử lý nợ, khả năng thu hồi vốn tại địa phương.

*Xuất khẩu chưa có khả năng hồi phục

Cây cà phê được trồng xen để chuẩn bị thay thế cho hồ tiêu đang là lựa chọn khá phổ biến của nhiều nông dân. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận, sản xuất hồ tiêu của Việt Nam còn chưa bền vững do diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tốt.

Dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm; việc nghiên cứu, chọn tạo giống mới, sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh… chưa được các tỉnh quan tâm thực hiện. Trong khi đó, hướng sản xuất theo GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa toàn diện. Việc tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu hồ tiêu đang và sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới. Hiện nhu cầu thế giới khoảng 510.000 tấn/năm. Dự báo nhu cầu sản phẩm tiêu của thế giới trong những năm tới vẫn sẽ tiếp tục tăng, nhưng bình quân mỗi năm chỉ tăng 2 - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8 - 10%.

Ở góc độ hiệp hội, ông Hoàng Phước Bính nhận định, trong vòng 3 năm tới, giá hồ tiêu khó có thể vượt 80.000 đồng/kg. Hiện bệnh chết nhanh, chết chậm gây chết hàng loạt nhiều vườn hồ tiêu ở Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk... cùng với đó do giá tiêu 3 năm nay xuống thấp nên người trồng không đầu tư chăm sóc nhiều dẫn đến năng suất liên tục giảm. Nhưng những diện tích trồng mới các năm 2013 - 2016 bắt đầu cho thu hoạch nên tổng sản lượng tiêu cả nước năm 2019 vẫn đạt 263,5 nghìn tấn, tăng 0,7 nghìn tấn, tăng 0,3% so với năm 2018.

Trong cả năm 2019, giá tiêu trong nước trong xu hướng giảm là chủ đạo với mức giảm từ 10.500 – 11.000 đồng/kg so với cuối năm 2018. Năm 2019, khối lượng tiêu xuất khẩu đạt 284 nghìn tấn với giá trị 715 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với năm 2018.

Giá tiêu giảm do áp lực dư cung trên thị trường thế giới tiếp tục tăng trong khi tồn kho của các nước sản xuất lớn vẫn còn nhiều. Dự báo, giá tiêu sẽ khó có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới do nguồn cung vẫn còn dồi dào và nhu cầu sẽ không tăng nhiều vào các tháng tiếp theo do các thị trường đã nhập khẩu một lượng hạt tiêu lớn từ giữa năm.

Với tình hình nguồn cung hồ tiêu trên thế giới liên tục tăng nhanh trong khi nhu cầu tăng chậm, dự kiến giá hồ tiêu sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng đến năm 2025, diện tích trồng hồ tiêu trong cả nước khoảng 110 nghìn ha, sản lượng khoảng 244 nghìn tấn; đến năm 2030, giữ ổn định diện tích trồng hồ tiêu là 100 nghìn ha. Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm 40% thị phần thế giới là vừa đủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục