Giá hồ tiêu liên tục giảm và câu chuyện nâng chất sản phẩm hồ tiêu

17:03' - 13/12/2019
BNEWS Trong 3 năm qua, giá hồ tiêu liên tục giảm, từ đỉnh điểm 230.000 đồng/kg vào năm 2015, nay chỉ còn từ 40.000 đồng đến 42.000 đồng/kg.
Công ty Cổ phần nông trại sinh thái Ecofarm liên kết với 5 hộ nông dân tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để trồng 10 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, giúp nông dân có lợi nhuận cao khi sản xuất hồ tiêu xuất khẩu; mỗi năm xuất khẩu sang Nhật Bản khoảng 40.000 tấn hồ tiêu. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Điều này khiến cho nhiều vườn tiêu tiểu điền tại khu vực Đông Nam bộ điêu đứng, khó trụ vững để tiếp tục sản xuất.

Tuy nhiên, cũng từ sự trượt giá này, diện tích tiêu trong nước đã dần trở về đúng như quy hoạch của ngành nông nghiệp.

Đây cũng là lúc người sản xuất hồ tiêu phải tìm cách để nâng cao chất lượng loại nông sản này trước khi cung ứng ra thị trường thế giới với yêu cầu ngày càng cao.

Trở về tuân thủ quy hoạch

Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sản xuất hồ tiêu đến năm 2020 của cả nước là 50.000 ha.

Tuy nhiên, thời điểm 2015 khi giá hồ tiêu chạm ngưỡng 230.000 đồng/kg tại vườn, nhiều hộ nông dân trồng nhỏ lẻ ồ ạt chuyển đổi cây trồng khác sang cây tiêu để “té nước theo mưa” kiếm lợi nhuận, đẩy diện tích hồ tiêu cả nước lên 152.000 ha, tăng gấp 3 lần quy hoạch đưa ra.

Thêm vào đó, các quốc gia sản xuất hồ tiêu trên thế giới như Ấn Độ, Srilanka, Indonesia, Malaysia, Brazil... cũng đồng loạt tăng diện tích sản xuất hồ tiêu.

Chỉ tính trong năm 2017, diện tích hồ tiêu của Ấn Độ tăng mạnh, đẩy sản lượng hồ tiêu lên 64.000 tấn.

Sự biến động diện tích đồng loạt của các quốc gia sản xuất hồ tiêu đã khiến cho giá tiêu thị trường thế giới rớt mạnh trong những năm qua.

Chính vì giá hồ tiêu liên tục giảm sâu trong khoảng 3 năm qua, nên nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ đã đồng loạt chuyển đổi sang cây trồng khác.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 11/2019, diện tích sản xuất hồ tiêu cả nước ước đạt hơn 140.000 ha, giảm 12.000 ha so với năm 2017.

Nguyên nhân là do khi tiêu được giá, nông dân đầu tư trồng tiêu trên nhiều loại đất khác nhau, chăm bón nhiều phân vô cơ, phân bón lá, kích thích sinh trưởng, sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật...

Nhưng, khi giá tiêu giảm mạnh nông dân đã không chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh dẫn đến cây suy kiệt, giảm sức chống chịu với dịch bệnh.

Song song với dịch bệnh và thiếu sự chăm sóc, nhiều hộ sản xuất tiêu nhỏ lẻ cũng đã chủ động chặt tiêu để chuyển sang cây trồng khác.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, thời điểm hoàng kim của ngành hồ tiêu Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỷ USD vào năm 2016. Nhưng năm 2017 chỉ đạt 1,1 tỷ USD và chỉ còn gần 759 triệu USD trong năm 2018.

Ước tính, trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành hồ tiêu đạt chỉ 717 triệu USD, giảm 5,5% so với năm 2018, trở lại mức xuất khẩu hồ tiêu của năm 2012.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thông thường, giá tiêu sẽ tăng hoặc giảm theo chu kỳ 5 năm. Vì vậy, trong thời điểm 5 năm trước, giá tiêu đang đà tăng, đến năm 2016 chạm đỉnh. Trong những năm tiếp theo giá tiêu sẽ rơi vào chu kỳ giảm để cân bằng lại thị trường.

Chính vì diễn biến thị trường như thế, các hộ sản xuất hồ tiêu nhỏ lẻ và tự phát trong 5 năm qua đã khó trụ vững, chuyển sang sản xuất loại cây trồng khác.

Qua khảo sát một số huyện có diện tích hồ tiêu lớn như Cẩm Mỹ, Xuân Lộc (Đồng Nai), Châu Đức, Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu)..., những hộ sản xuất tiêu đều lo lắng khi giá tiêu giảm đến mức như hiện nay.

Điển hình, vườn tiêu 2 ha của ông Nguyễn Hoàng Phương, xã Bầu Chinh, huyện Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu từ chỗ lãi 500 triệu đồng mỗi vụ thì hai năm gần đây liên tục lỗ.

Ông không đành lòng chặt bỏ nên phải cầm cự nhỏ giọt, huy động người trong nhà thu hoạch chứ không dám thuê ngoài.

Còn với hộ sản xuất Nguyễn Văn Tám, ngụ tại xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cũng đã chặt bỏ 0,5ha sản xuất tiêu để chuyển qua trồng chuối.

Theo ông Phương, giá tiêu thấp, người trồng không có lãi mà cây tiêu lại dễ nhiễm các loại bệnh như thán thư, bệnh chết chậm, chết nhanh..., khiến tiêu tốn thêm nhiều chi phí trị bệnh cho tiêu.

Nâng chất cây để nâng giá trị

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, trong bối cảnh hội nhập và đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), ngành hồ tiêu Việt Nam cần sự rà soát, đánh giá và định hướng xây dựng giải pháp phát triển theo hướng bền vững.

Mô hình trồng hồ tiêu hữu cơ ở huyện Gò Quao (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Cụ thể, hiện nay nhiều quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu thuộc Hội đồng hồ tiêu quốc tế (IPC) như Brazil, Ấn Độ, Sri Lanka đã hướng đến sản xuất hồ tiêu sạch, chất lượng cao để cung ứng cho thị trường thế giới.

Ở Sri Lanka, trong hai năm qua đã phát huy thế mạnh độ cay gấp từ 2-6 lần so với hạt tiêu của các quốc gia khác, vừa phát triển diện tích, sản lượng, đồng thời nâng cao chất lượng để chinh phục các thị trường khó tính.

Chính vì vậy, các chuyên gia ngành hồ tiêu của Srilanka đã đề xuất một số biện pháp như: xây dựng chuỗi giá trị theo hướng áp dụng thực hành nông nghiệp và chế biến tốt, không chỉ tăng sản lượng mà còn tăng chất lượng, xây dựng mô hình “nông trại ở mỗi làng” để huấn luyện nông dân về kỹ thuật phơi sấy và tồn trữ tiêu.

Đồng thời, khuyến khích các nhà xuất khẩu mua trực tiếp hạt tiêu từ các nông trại để bảo đảm chất lượng nhất quán, và giao đất cho nông dân trồng tiêu theo những yêu cầu canh tác chung; áp dụng các hệ thống chất lượng như HACCP, ISO 22000 và thực hiện các tiêu chuẩn bắt buộc để bảo đảm chất lượng tiêu Sri Lank tại các điểm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất hồ tiêu của Brazil không chỉ tăng diện tích trong 5 năm qua, mà còn chú trọng vào chất lượng hạt tiêu và sức khỏe người tiêu dùng, đẩy mạnh sản xuất tiêu hữu cơ, tiêu sạch nhưng giá bán ra lại cạnh tranh cao với sản phẩm tiêu Việt Nam.

Vì vậy, ngành chế biến và xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam cũng phải chuyển dần sang sản xuất tiêu sạch mới hi vọng đưa ngành hồ tiêu trở lại vị thế số 1 thế giới như trước đây.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ, ngành hồ tiêu Việt Nam là ngành quan trọng trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Do đó, trong thời gian tới, ngành hồ tiêu Việt Nam cần chú trọng vào chất lượng sản xuất, tránh tình trạng tăng nóng diện tích. Đồng thời, cần tập trung vào chế biến sâu để nâng giá trị cho nông sản.

Cùng đó, ngành hồ tiêu cũng chuyển sang xem trọng chất lượng sản phẩm, hướng đến mô hình sản xuất hồ tiêu hữu cơ.

"Để toàn ngành hồ tiêu có thể thực hiện hướng đến nâng chất sản phẩm hồ tiêu trong thời gian tới, tăng khả năng cạnh tranh và tăng giá trị hơn nữa, ngành hồ tiêu cần sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Chính phủ. Hơn nữa, sản xuất hồ tiêu chất lượng cao cũng rất cần một nguồn vốn khởi điểm để người sản xuất cải tạo vườn, đầu tư thiết bị, ứng dụng khoa học sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Do đó, người sản xuất hồ tiêu hi vọng phía ngân hàng sẽ có những gói vốn ưu đãi, lãi suất thấp cho người sản xuất tiêu duy trì vườn, cải tạo vườn, nâng chất vườn.", bà Hoàng Thị Liên, Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) chia sẻ.

Trước sự biến động của ngành hồ tiêu trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa ra định hướng đến năm 2025, duy trì diện tích trồng hồ tiêu khoảng 100.000-120.000 ha, diện tích cho sản phẩm 95.000 ha, năng suất bình quân 25-27 tạ/ha, sản lượng khoảng 237.000-256.000 tấn/năm.

Trong giai đoạn 2017 - 2030, dự kiến phải tái canh hồ tiêu với diện tích khoảng 70.000 ha, bình quân mỗi năm trồng tái canh trung bình khoảng trên 5.400 ha./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục