Hệ lụy xuất cảnh trái phép đi làm thuê - Bài 1: Nhọc nhằn tìm miền đất hứa ở xứ người

08:28' - 17/07/2018
BNEWS Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có loạt 4 bài phản ánh về hệ luỵ của việc người dân các tỉnh Lai Châu, Phú Thọ và Lào Lai xuất cảnh trái phép đi làm thuê ở Trung Quốc.

Vì cuộc sống mưu sinh, tâm lý muốn đổi đời nên rất nhiều người ở vùng Tây Bắc đã nghe theo người xấu bỏ gia đình, quê hương để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê.

Ở xứ người, các lao động trái phép không được pháp luật bảo hộ, bị chủ quỵt tiền công, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, phải sống chui lủi và có trường hợp đã mất tích… 

Ồ ạt vượt biên đi lao động trái phép

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, những năm qua, người dân ở vùng Tây Bắc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động tăng lên nhiều. Lao động sang Trung Quốc làm việc trái phép chủ yếu đi “chui” theo đường tiểu ngạch như lối mòn, đường sông mà không qua cửa khẩu vì không có giấy tờ xuất nhập cảnh.

Nhiều trường hợp làm thủ tục xuất nhập cảnh sang Trung Quốc đi du lịch, thăm người thân nhưng hết hạn không về mà ở lại làm thuê trái phép.

Công an Lào Cai đã thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai phát hiện và lập hồ sơ quản lý 4.946 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê.

Người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động đều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện nghèo khó do không có việc làm ổn định, nên đã bị rủ rê vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Con số này hiện chưa giảm, tình trạng xuất cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh Lào Cai ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.

Tại tỉnh biên giới Lai Châu, tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động “chui” diễn ra rầm rộ khoảng 5 năm trở lại đây. Theo thống kê của lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu, hiện tỉnh có hơn 2.000 người đi làm trái phép ở Trung Quốc.

Riêng các trường hợp làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc du lịch, thăm người thân không về trong 6 tháng đầu năm 2018 có 46 người, so với cùng kỳ năm 2017 giảm 528 người.

Đại tá Lò Văn Bích, Phó Giám đốc Công an Lai Châu cho biết, thủ đoạn đối tượng trong đường dây đưa đi lao động trái phép hoạt động ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Nếu trước kia đối tượng này về làng bản thì nay móc nối người ở nhà tìm người sau đó hướng dẫn đưa sang Trung Quốc.

Tỉnh Phú Thọ không phải địa bàn giáp biên giới nước Trung Quốc, nhưng "cơn sốt" xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động chui rộ lên vào thời điểm năm 2014 - 2016 với số lượng lên tới hàng nghìn người.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm Phú Thọ có gần 500 người đi xuất cảnh lao động trái phép, chủ yếu thuộc các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện Hạ Hòa, Đoan Hùng, Tân Sơn, Thanh Sơn và Yên Lập.

Hình thức xuất cảnh của số công dân này chủ yếu đi theo một số đối tượng địa phương đã đi Trung Quốc nhiều năm, hoặc bắt xe lên khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, sau đó thuê người bản địa thông thạo việc đi lại hoặc môi giới của các công ty bên phía nước bạn dẫn sang.

Cơ quan Công an đã tích cực vào cuộc, điều tra, khởi tố và xử lý nghiêm những trường hợp tổ chức đưa người trái phép ra nước ngoài.

Đất “khó” phải bỏ quê

Mảnh đất biên giới huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) những ngày tháng 6, trên nương dưới ruộng, nhiều quả đồi vẫn um tùm cỏ mọc, bản làng đìu hiu, vắng bóng người. Dọc con đường liên bản thôn Cán Cấu, xã Cán Cấu, rất nhiều ngôi nhà cửa đóng then cài, chỉ thấy người già và trẻ nhỏ trong bản.

Ông Giàng A Vảng, dân tộc Mông ở thôn Cán Cấu, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) năm nay bước sang tuổi 73, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, nhưng hằng ngày vẫn miệt mài việc đồng áng và chăm sóc 4 cháu nhỏ cho vợ chồng con trai Giàng A Dơ sang Trung Quốc làm thuê.

Ông Giàng A Vảng chia sẻ: “Con trai và con dâu tôi không muốn sang bên ấy làm thuê, nhưng nhà có ít ruộng, nương, cả năm trồng không đủ ăn, nghèo thì vẫn nghèo.

Thấy vài người trong thôn đi làm về bảo bên ấy công việc nhiều, trả lương cao, vợ chồng quyết đi và để con cái cho bố mẹ già trông nom. Chúng nó tự đi, không xin giấy phép, cứ một năm về nhà một lần”.

Theo ông Hảng A Tủa, Chủ tịch UBND xã Cán Cấu, sau Tết Nguyên Đán, có gần 100 người lao động ở địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Chủ tịch UBND xã Cán Cấu lý giải nhiều nguyên nhân để người lao động tại địa phương vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê.

Song, nguyên nhân chính là do hầu hết lúc nông nhàn không có việc làm, thổ nhưỡng ở đây là đá vôi, khô cằn, khó khăn trong việc sản xuất.

Mặt khác, do nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cá nhân bên phía Trung Quốc không yêu cầu về trình độ tay nghề nên thu hút nhiều lao động tại các khu vực biên giới sang làm thuê.

Phóng viên ghé thăm ngôi nhà nhỏ thưng gỗ cũ kỹ là nơi sinh sống của 6 nhân khẩu thuộc gia đình bà Lành Thị Xánh, bản Thèn Sin 1, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường (Lai Châu).

Tháng 2/2018, gia đình bà Xánh có con trai, con dâu và cháu trai bị người ở tỉnh Thái Nguyên lừa sang Trung Quốc lao động trái phép. Anh Lò Văn Đôi (con trai), Quàng Thị Vương (con dâu) và Lành Văn Lan (cháu) mới sang bên kia biên giới đã bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt, quản thúc 2 tháng rồi thả về nước.

Khi họ trở về, qua biên giới “không đồng xu dính túi”, người nhà phải vất vả mang tiền đi đón. Các con về, bà Vương rơi nước mắt và khuyên con ở nhà chăm chỉ làm ăn. Dù ruộng, nương ít nhưng đào ao nuôi cá, chăn thả gia súc, phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống.

Xã Thèn Sin, huyện Tam Đường (Lai Châu), những đầu năm 2018, trên địa bàn đã có gần 100 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, chiếm 10% trong độ tuổi lao động.

Theo ông Thừng Văn Khiếm, Chủ tịch UBND xã Thèn Sin, số hộ nghèo của xã chiếm trên 40%, chủ yếu làm ruộng, nương. Đồng bào dân tộc thiểu số dân trí thấp, cả tin nghe theo lời dụ dỗ sang bên Trung Quốc làm việc nhẹ nhàng, lương cao nên đã rủ nhau đi mong được đổi đời ở xứ người./.

Bài 2: Nỗi buồn đìu hiu chốn quê nghèo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục