Hệ quả của sự bùng nổ đầu tư vào trí tuệ nhân tạo

07:30' - 11/01/2024
BNEWS Theo tờ The Financial Times, nhiều nhà kinh tế cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh sẽ đem tới sự chuyển đổi cho nền kinh tế toàn cầu.

 

Một bài báo được xuất bản năm 2023 trên tạp chí Epoch của hai chuyên gia Ege Erdil và Tamay Besiroglu lập luận rằng việc AI có khả năng thay thế rộng rãi cho con người sẽ tạo ra sự “tăng trưởng bùng nổ” với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng vọt.

Chuyên gia Erik Brynjolfsson của Đại học Stanford cho biết, ông kỳ vọng AI “sẽ thúc đẩy sự bùng nổ năng suất trong những năm tới”. Để quá trình chuyển đổi kinh tế như vậy diễn ra, các công ty cần chi mạnh tay cho phần mềm, thông tin liên lạc, nhà máy và thiết bị mới, cho phép AI thâm nhập vào quy trình sản xuất của họ. Sự bùng nổ đầu tư là cần thiết, để tạo ra những đột phá công nghệ phủ sóng khắp nền kinh tế.

Chẳng hạn, từ năm 1992 đến năm 1999, đầu tư phi dân cư của Mỹ đã góp phần làm tăng 3% GDP, phần lớn là nhờ chi tiêu thêm cho công nghệ máy tính. Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít dấu hiệu có sự phô trương rầm rộ về AI trong các doanh nghiệp.

Sau khi tăng trưởng chậm chạp trong những năm trước đại dịch COVID-19, vốn đầu tư đã tăng lên khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Vào đầu năm 2022, vốn đầu tư toàn cầu tăng với tốc độ hàng năm khoảng 8%/năm. Tâm trạng lạc quan về công nghệ đã thu hút một số doanh nghiệp, khi nhiều doanh nghiệp đang tìm cách củng cố chuỗi cung ứng. Đến cuối năm 2022, tốc độ tăng trưởng của chi phí vốn chậm lại, do ảnh hưởng của sự biến động địa chính trị và lãi suất cao hơn.

Trước ngày phát hành ứng dụng ChatGPT-4 của OpenAI, vào tháng 3/2023, chi tiêu vốn đầu tư toàn cầu đã tăng với tốc độ hàng năm khoảng 3%. Trong làn sóng phát triển “vũ bão” của công nghệ, một số công ty tiếp tục tăng vốn đầu tư, với hy vọng có thể nắm bắt những gì mà họ coi là cơ hội to lớn trong lĩnh vực AI. Các chuyên gia dự báo rằng chi tiêu của Microsoft (bao gồm cả chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D)) có thể tăng gần 20%. Cổ phiếu của nhà sản xuất chất bán dẫn (chip) Nvidia dự kiến sẽ tăng vọt lên tới 30%.

Trong báo cáo cuối năm 2023, tỷ phú Mark Zuckerberg, ông chủ của tập đoàn Meta, khẳng định: “AI sẽ là lĩnh vực đầu tư lớn nhất của chúng tôi vào năm 2024, cả về tài nguyên kỹ thuật và máy tính”. Tuy nhiên, ở những lĩnh vực khác, kế hoạch phát triển công nghệ khiêm tốn hơn.

Loại trừ các công ty thúc đẩy cuộc cách mạng AI, chẳng hạn như Microsoft, Nvidia và những công ty trong bảng chỉ số S&P 500 đang có kế hoạch tăng vốn đầu tư, chỉ khoảng 2,5% số công ty Mỹ có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024. Trên toàn bộ nền kinh tế thế giới, tình hình thậm chí còn ảm đạm hơn.

Một “công cụ theo dõi” vốn đầu tư của Mỹ do ngân hàng Goldman Sachs đưa ra cho thấy bức tranh rõ nét về chi tiêu của các doanh nghiệp, cũng như gợi ý về những dự định trong tương lai. Công cụ này kết luận lượng vốn đầu tư toàn cầu đang giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Chắc chắn, với tất cả sự phấn khích về tiềm năng của AI, chi tiêu cho công nghệ thông tin ít nhất cũng tăng vọt? Trong quý III/2023, khoản đầu tư của các công ty Mỹ vào “thiết bị và phần mềm xử lý thông tin” đã giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

 
Xu hướng tương tự có thể quan sát được ở cấp độ toàn cầu. Theo dữ liệu tài khoản quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tính đến quý III/2023, chi tiêu đầu tư - bao gồm cả của các chính phủ - đang tăng chậm hơn so với những năm trước đại dịch.

Một cuộc khảo sát chính thức tại Nhật Bản cho thấy tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư sẽ cao hơn đáng kể trong tương lai sau nhiều năm trì trệ. Tuy nhiên, điều này có thể phản ánh các yếu tố cụ thể của quốc gia đó, chẳng hạn như cải cách quản trị doanh nghiệp. Và ở hầu hết các nước bên ngoài Mỹ, tình hình còn kém khả quan hơn.

Triển vọng xấu đi của nền kinh tế châu Âu cũng góp phần gây thu hẹp vốn đầu tư, với các kế hoạch đầu tư của các công ty dịch vụ ở Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023 đã giảm hơn một nửa so với năm 2022. Các doanh nghiệp Anh có kế hoạch tăng vốn đầu tư chỉ 3% trong năm 2024, thấp hơn mức 10% vào năm 2022.

Những xu hướng này phản ánh một trong hai vấn đề. Thứ nhất đó là AI tạo sinh chưa cho thấy những hiệu quả đủ sức lôi kéo các doanh nghiệp. Các công ty công nghệ lớn yêu thích AI, nhưng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng cho những sản phẩm và dịch vụ mà họ đã chi hàng chục tỷ USD để tạo ra. Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử cận đại các nhà công nghệ đã đánh giá quá cao nhu cầu về những cải tiến mới.

Cách giải thích thứ hai có nhiều khả năng xảy ra hơn. Đó là việc áp dụng các công nghệ theo xu hướng mới thường mất nhiều thời gian. Trở lại ví dụ về máy tính cá nhân. Mặc dù Microsoft đã phát hành hệ điều hành mang tính đột phá vào năm 1985, nhưng các công ty Mỹ chỉ tăng cường chi tiêu cho phần mềm từ cuối những năm 1990.

Phân tích của Goldman Sachs cho thấy rằng trong khi chỉ có 5% giám đốc điều hành (CEO) mong đợi AI sẽ có “tác động đáng kể” đến hoạt động kinh doanh của họ trong vòng một đến hai năm tới, thì 65% cho rằng nó sẽ có tác động trong vòng ba đến 5 năm tới. AI vẫn có khả năng tạo ra sự thay đổi tích cực cho các nền kinh tế, nhưng sự thay đổi đó chỉ đến từ từ, chứ không phải thông qua một tiếng nổ vang dội ngay lập tức.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục