Hệ thống e-Cabinet được đảm bảo an ninh như thế nào?

08:05' - 25/06/2019
BNEWS Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, hệ thống e-Cabinet được sử dụng cho các thành viên Chính phủ nên tính bảo mật rất cao.

Trao đổi với báo chí xung quanh việc vận hành hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội) Võ Anh Tâm cho biết, Viettel là đơn vị cung cấp các dịch vụ trọn gói cho hệ thống này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ E- CABINET. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN

Điều này có nghĩa Viettel cung cấp từ hệ thống hạ tầng phần cứng, hệ thống thiết bị đầu cuối và các hệ thống phần mềm cũng như dịch vụ bảo hành, bảo trì và bảo đảm an ninh, an toàn.

"Hệ thống này được sử dụng cho các thành viên Chính phủ nên tính bảo mật rất cao. Tập đoàn Viettel đã chủ động xây dựng hệ thống bảo mật 2 lớp thông qua các hệ thống mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ trong quá trình triển khai", ông Tâm khẳng định.

Theo ông Võ Anh Tâm, hệ thống e-Cabinet được đảm bảo an toàn, an ninh đến 3 lớp. Lớp đầu tiên phát hiện tất cả mã độc cũng như làm sạch các hệ thống.

Lớp thứ 2 có các công cụ để xây dựng và cảnh báo những hiện tượng tấn công từ bên ngoài.

Lớp thứ 3 là các công cụ cho phép phát hiện ra các hành vi bất ngờ cũng như phát hiện các mã độc đối với hệ thống.

Viettel còn có hệ thống giám sát từ xa 24/24h để phát hiện các hành vi bất thường, tấn công từ xa để cô lập các ảnh hưởng đến hệ thống. Vì vậy, đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định tất cả hệ thống Viettel đang triển khai đảm bảo toàn bộ yêu cầu về an toàn, bảo mật ở cấp độ quốc gia.

Thủ tướng và các thành viên Chính phủ được trang bị mỗi người một iPad để xử lý thông tin cũng như kết nối vào hệ thống e-Cabinet.

iPad của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đều đã được Ban Cơ yếu kiểm soát các mã độc, cũng như kiểm tra tính an ninh, an toàn trước khi sử dụng.

Một trong những vấn đề trong việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như việc kết nối mạng mà người dùng lo ngại là việc tắc nghẽn mạng, tắc nghẽn hệ thống.

Để hệ thống e-Cabinet hoạt động thông suốt, không bị chập chờn, ông Võ Anh Tâm cho biết, hệ thống được thiết kế tối ưu về hạ tầng, mạng lưới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ bằng E- Cabinet. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Với hệ thống băng thông 4G như hiện nay, cơ bản đảm bảo được những yêu cầu liên quan đến kết nối. Đến nay, với số lượng người dùng như Văn phòng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, hệ thống e-Cabinet hoàn toàn không bị tắc nghẽn.

Viettel luôn luôn có hệ thống dự phòng, có các hệ thống truyền dẫn, hệ thống không dây để đảm bảo hoàn toàn việc kết nối mạng.

Chia sẻ áp lực khi là doanh nghiệp được Chính phủ tin tưởng lựa chọn để triển khai hệ thống e-Cabinet, ông Võ Anh Tâm cho biết, áp lực lớn nhất đó là đảm bảo tính an ninh và an toàn. Thứ 2 là áp lực về thời gian rất gấp rút.

“Trong vòng 3 tháng xây dựng những bài toán nghiệp vụ với các thành viên Chính phủ, rồi thói quen của bản thân các thành viên Chính phủ. Trong 3 tháng vừa rồi, chúng tôi đã vượt qua những trở ngại này. Hệ thống e-Cabinet đã khai trương thành công, người đứng đầu Chính phủ đã thực hiện những thao tác trên hệ thống thật. Chúng tôi có một nhóm vận hành duy trì hệ thống này ngay từ đầu với khoảng 3-10 người. Hiện chúng tôi có một bộ phận hỗ trợ trực tiếp ở Văn phòng Chính phủ”, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel chia sẻ.

Cho rằng đây là giai đoạn bước đầu Viettel đồng hành cùng Chính phủ trong chuyển đổi phong cách làm việc từ họp truyền thống thông qua mạng và thông qua các thiết bị, ông Võ Anh Tâm bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ triển khai hệ thống này rộng rãi, không chỉ ở Chính phủ mà tới cả các bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh và lâu dài là ứng dụng cho các phó thủ tướng và các bộ trưởng khi điều hành họp với các tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục