Hiến kế lấp “lỗ hổng” pháp lý trên thị trường chứng khoán

08:10' - 15/04/2022
BNEWS Giới chuyên gia cho rằng, cần xem xét những hình thức xử phạt vi phạm tương tự trên thị trường thế giới để áp dụng với thị trường trong nước.

Việc khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng do những vi phạm liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán, huy động trái phiếu doanh nghiệp được nhận định là quyết tâm cao của cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý nhằm làm trong sạch thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng ở đây là cùng với việc xử lý đó thì các cơ quan chức năng, cơ quan lập pháp phải xem xét được hiện nay thị trường còn “lỗ hổng” ở đâu, đồng thời cần có thêm các biện pháp để giám sát, ngăn chặn.

*Vì đâu nên nỗi?

Từ cuối tháng 3 đến nay, người dân cũng như công chúng đầu tư vẫn chưa hết “xôn xao” xung quanh câu chuyện bắt giữ nhiều lãnh đạo của các tập đoàn lớn để điều tra, làm rõ những sai phạm trên thị trường tài chính.

 

Theo đó, ngày 5/4/2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền nhà đầu tư của các công ty thành viên. Ngoài ông Dũng, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 người khác có liên quan.

Trước đó, ngày 29/3/2022, Bộ Công an đã có Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán.

Thực tế, thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng vẫn trong quá trình hoàn thiện khung khổ pháp lý, vì vậy còn nhiều quy định chưa chặt chẽ, hoặc những kẽ hở pháp lý dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để thao túng, trục lợi.

Giới chuyên gia cho rằng, cần xem xét những hình thức xử phạt vi phạm tương tự trên thị trường thế giới để áp dụng với thị trường trong nước, vì thị trường tài chính nước ngoài cũng đã trải qua một giai đoạn như ở Việt Nam.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW, trong thời gian gần đây với sự phát triển, nổi lên của một số các doanh nghiệp về bất động sản lớn, những doanh nghiệp này cần huy động một số vốn lớn để đưa vào thị trường bất động sản.

Chính điều này khiến tín dụng của ngân hàng đã bị giới hạn. Do đó, một số các doanh nghiệp tìm cách huy động vốn thông qua thị trường tài chính mà chủ yếu là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trong quá trình hoàn thiện các quy định của pháp luật, vì vậy một số doanh nghiệp lợi dụng những quy định chưa chặt chẽ hoặc kẽ hở của luật, dùng các thủ thuật tài chính để huy động tiền, tài chính, hoặc thao túng trên thị trường chứng khoán với mục đích trục lợi, gây rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Những vụ việc xảy ra tại các tập đoàn bất động sản lớn gần đây là minh chứng rõ nét cho điều này.

“Hiện nay để ổn định, cũng như là làm lành mạnh lại thị trường tài chính thì một số cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý đã cương quyết xử lý các trường hợp mà tôi thấy rằng, trước đây có thể những người này cứ nghĩ mình sẽ không bao giờ bị xử lý”, ông Hà chia sẻ.

Theo ông Hà, các cơ quan chức năng đã xử lý và tiếp tục xử lý một cách triệt để để làm sao “trong sạch” thị trường. Ông Hà đánh giá đây là biện pháp quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như cơ quan tư pháp.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là cùng với việc xử lý đó thì các cơ quan chức năng, cơ quan lập pháp phải xem xét được thị trường còn “lỗ hổng” ở đâu, đồng thời cần có thêm các biện pháp để giám sát.

Ông Hà lấy ví dụ, quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ hiện nay tương đối có lợi cho các doanh nghiệp, nhưng cần có biện pháp giám sát của chính các tổ chức liên quan. Đơn cử như cần có sự tham gia của các tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm trong hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ ra công chúng.

“Cái này chúng ta chưa hoàn thiện, tôi nghĩ trong thời gian tới cần một số các biện pháp; trong đó, những biện pháp như trên cần được thực hiện quyết liệt hơn”, ông Hà nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, có thể cập nhật, xem xét những hình thức xử lý vi phạm trên thế giới để áp dụng với Việt Nam. Các quy định của pháp luật Việt Nam về thị trường tài chính hiện nay chưa theo kịp sự phát triển của thị trường trong thực tế.

Do đó, các cơ quan quan lý hoàn toàn có thể nghiên cứu các mô hình của nước ngoài, vì thị trường tài chính các nước phát triển cũng đã trải qua một giai đoạn như ở Việt Nam.

Từ đó, chúng ta có thể hoàn thiện và bổ sung khung khổ pháp lý để tránh trường hợp, khi doanh nghiệp phát triển quá lớn bị xử lý sai phạm sẽ không những ảnh hưởng đến cá nhân chủ doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới rất nhiều người lao động.

Đối với thị trường cổ phiếu, các quy định của pháp luật dù chặt chẽ hơn thị trường trái phiếu, nhưng có lẽ cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bán chui cổ phiếu.

Thực tế, một số những hành vi thao túng, làm giá vẫn diễn ra phố biến trên thị trường cổ phiếu, gây mất niềm tin cho nhà đầu tư, bởi vì họ nghĩ rằng thị trường không minh bạch mà vẫn có sự can thiệp của các “đội lái”. Những chủ doanh nghiệp “lọc lõi” thì lách những quy định của pháp luật, không chỉ là những thủ thuật như “mua tay phải, bán tay trái” mà họ còn có rất nhiều các thủ thuật khác để đẩy giá cổ phiếu, hòng trục lợi.

“Dù chế tài xử phạt hành chính và hình sự khá đầy đủ, nhưng mấu chốt là ở vấn đề thực thi”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW chia sẻ.

*Xử lý hành vi định hướng mua cổ phiếu

Một thực tế là hiện nay có rất nhiều đội nhóm trên mạng hô hào mang tính chất định hướng để nhà đầu tư mua, hoặc bán một loại cổ phiếu nhất định. Qua đó đẩy giá lên cao, hoặc “dìm” giá cổ phiếu. Đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết.

Sự phát triển của công nghệ thông tin tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch trực tuyến và sự thích ứng nhanh của các công ty chứng khoán đã giúp thị trường bùng nổ về thanh khoản; trong đó, có đóng góp lớn từ dòng tiền của các nhà đầu tư mới.

Cùng với sự phát triển này, các hội nhóm trên mạng xã hội về các mã cổ phiếu… nở rộ trong khoảng 2 năm nay. Nhiều tổ chức, cá nhân xem đây là một trong những giải pháp hữu ích để tiếp cận nhà đầu tư mới và trao đổi, hỗ trợ cho khách hàng hiện có của mình.

Nhiều diễn đàn trên mạng cung cấp thông tin khách quan, đa chiều, trao đổi các thông tin chính sách, diễn biến thị trường, kết quả kinh doanh, thông tin doanh nghiệp… Đây là điểm tích cực, giúp chứng khoán gần gũi hơn với người dân và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư mới.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, không khó để bắt gặp những kiểu gợi ý mua, bán cổ phiếu, “phím hàng” một cách chủ quan trên các diễn đàn, hội nhóm.

Theo đó, nhiều cổ phiếu có hiện tượng tăng, giảm bất thường; hoặc liên tục tăng trần, nhưng hoạt động kinh doanh lại thua lỗ.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân vẫn diễn ra tình trạng thao túng giá chứng khoán là mức xử lý vẫn chưa đủ tính răn đe.

Nếu theo dõi những diễn đàn chứng khoán trên facebook, youtube, zalo... có thể thấy những thông tin theo kiểu “phím hàng”, định hướng rất nhiều.

Vị chuyên gia cho biết, với thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ cũng có việc thao túng giá chứng khoán. Tuy nhiên, luật pháp của họ rất nghiêm ngặt nên không có chuyện “phím hàng” công khai như vậy.

“Không như ở Việt Nam, nhà đầu tư có thể hỏi thông tin về mã cổ phiếu và coi chuyện này là điều hiển nhiên trao đổi trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Do vậy, phải ngăn chặn việc "phím hàng" công khai trên mạng xã hội bằng cách xử lý mạnh tay và đẩy mạnh công tác tuyên truyền”, ông Khánh kiến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục