Hiệp định EVFTA: Ngành lúa gạo sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường EU

09:36' - 03/10/2020
BNEWS Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ mang lại nhiều cơ hội, tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức đối với ngành lúa gạo.

Tỉnh Vĩnh Long là một trong những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là sản xuất lúa với diện tích gieo trồng hàng năm trên 156.000 ha, sản lượng thu hoạch gần 1 triệu tấn.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ mang lại nhiều cơ hội, tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức đối với ngành lúa gạo của tỉnh.

Bên cạnh các thị trường truyền thống, tỉnh Vĩnh Long đang tập trung các giải pháp để có thể xuất khẩu gạo vào thị trường châu Âu trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên cho biết, trong 8 tháng năm 2020, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo của tỉnh Vĩnh Long đã xuất trên 17.000 tấn, tăng 35,5% về lượng và tăng 7,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Hạn ngạch xuất khẩu gạo được hưởng ưu đãi thuế suất theo Hiệp định EVFTA của Việt Nam vào thị trường châu Âu năm 2020 chỉ có 80.000 tấn gạo.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam để đưa gạo vào thị trường châu Âu trong năm nay.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp của tỉnh đã chủ động tra cứu các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu, từ đó điều chỉnh quy trình, định hướng sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng liên kết sản xuất, tiêu thụ để tạo vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến, đóng gói và xuất khẩu gạo; đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, dù thị trường châu Âu yêu cầu khắt khe về chất lượng gạo nhưng công ty vẫn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu gạo vào thị trường này do có sự chuẩn bị từ trước.

Sản phẩm gạo của công ty đã xuất khẩu sang được các thị trường khó tính như Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… nên các tiêu chuẩn do thị trường châu Âu đặt ra cũng không quá khó khăn.

Hiện công ty đã xây dựng được chuỗi liên kết khu vực trồng lúa organic, trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đảm bảo hàng hóa có chất lượng đồng đều, an toàn, đặc biệt là chủ động được nguồn hàng quanh năm để tránh bị động cho xuất khẩu.

Ngoài ra, công ty cũng bước đầu nghiên cứu thị trường ở khu vực này, nhất là xác định phân khúc thị trường như cộng đồng người Việt, người Philippines, người Ấn Độ… đang sinh sống ở khu vực châu Âu.

Mặt khác, theo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014 - 2020, lúa là một trong 6 sản phẩm nông sản chủ lực của Vĩnh Long được tập trung nguồn lực tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh.

Theo kế hoạch năm 2020, tỉnh Vĩnh Long có diện tích gieo trồng lúa trên 150.000 ha, riêng diện tích lúa sử dụng giống chất lượng cao chiếm từ 60 - 70%. Sản lượng dự kiến trên 900.000 tấn; trong đó, khả năng xuất khẩu trên 50% tổng sản lượng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết, để đảm bảo tính ổn định, bền vững của ngành hàng lúa gạo, trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì ổn định diện tích gieo trồng khoảng 150.000 ha, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng giống lúa; đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Hiện tỉnh đã đầu tư xây dựng, phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao trong tỉnh đạt 3.200 ha; từng bước xây dựng và phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) để nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, hình thành vùng nguyên liệu lúa đủ điều kiện tham gia chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực trong tỉnh.

Giám đốc Công ty Phước Thành IV Nguyễn Văn Thành nhận định, mặc dù EU chỉ cấp hạn ngạnh ưu đãi thuế 80.000 tấn gạo; trong đó, có 30.000 tấn gạo thơm cho năm 2020, đây không phải là sản lượng lớn so với khả năng của 182 doanh nghiệp xuất khẩu gạo cả nước.

Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường này vẫn rất lớn, bởi mỗi năm EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Nếu như năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam làm tốt thì năm sau EU có thể tăng nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều hơn so với các nước xuất khẩu gạo khác. Đây sẽ là cơ hội lớn, lâu dài cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Đồng thời, khi giá trị hạt gạo bán ra tại thị trường châu Âu được giá cao thì lợi nhuận của người trồng lúa cũng sẽ được nâng lên.

"Với các điều kiện của thị trường EU, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng. Tuy nhiên, các bộ, ngành, Đại sứ quán cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến đầu tư để kết nối cung cầu, tìm hiểu khách hàng, tiếp cận các nhà phân phối, siêu thị, chợ nông sản lớn… ở các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu" - ông Nguyễn Văn Thành đề xuất.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên, trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Sở đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu về hiệp định này, cũng như triển khai nhiều giải pháp để doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Hiện ngành thường xuyên cập nhật các thông tin về hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU trên website Sàn giao dịch thương mại điện tử của sở để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, tận dụng tối đa cơ hội ưu đãi thuế quan theo lộ trình.

Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-9 còn diễn biến phức tạp hiện nay, sở hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường trên nền tảng thưởng mại điện tử.

Bên cạnh đó, ngành hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các đoàn tìm hiểu thị trường, kết nối giao thương, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công Thương tổ chức tại thị trường châu Âu để các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh có điều kiện tiếp cận, ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Đặc biệt, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA trên địa bàn tỉnh; trong đó, tăng cường triển khai các nhiệm vụ cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục