Hiệp định UKVFTA: Sân chơi mới cho hàng xuất khẩu Việt Nam

21:57' - 29/12/2020
BNEWS Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về những điểm mới cũng như cơ hội, thách thức mà Hiệp định UKVFTA sẽ mang lại cho Việt Nam sau khi hai nước ký kết.

Ngày 11 tháng 12 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Elizabeth Truss đã ký Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) tạo cơ sở để 2 nước tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để ký kết chính thức.

Vào 21 giờ tối nay, ngày 29 tháng 12 năm 2020 theo giờ Việt Nam, Hiệp định UKVFTA được đại diện ủy quyền (đại sứ) của Chính phủ hai nước chính thức ký kết tại Lon Don, Vương quốc Anh.

Việc ủy quyền cho đại sứ hai nước trực tiếp ký tại Anh do bối cảnh dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã không thể trực tiếp có mặt và thực hiện ký kết theo thông lệ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về những điểm mới cũng như cơ hội, thách thức mà Hiệp định UKVFTA sẽ mang lại cho Việt Nam sau khi Việt Nam và Vương quốc Anh sau khi ký kết nhằm đưa Hiệp định vào thực thi ngay đầu năm 2021, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân 2 nước.

Phóng viên: Việt Nam và Anh vẫn đang thực thi các cam kết trong Hiệp định EVFTA. Vậy xin Bộ trưởng cho biết sự khác nhau giữa Hiệp định EVFTA với Hiệp định UKVFTA sẽ ký kết trong ngày hôm nay 29/12?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UK) và bảo đảm cân bằng lợi ích của cả hai bên.

Theo đó, Hiệp định gồm 9 điều khoản; 1 Phụ lục sửa đổi một số điều của lời văn EVFTA; 1 Nghị định thư và 1 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và UK.

Về cơ bản, các nội dung thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định UKVFTA cũng tương tự như Hiệp định EVFTA, gồm thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, và pháp lý - thể chế.

Trong bối cảnh Vương quốc Anh  chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu và giai đoạn chuyển tiếp chuẩn bị kết thúc (ngày 31 tháng 12 năm 2020), việc ký kết Hiệp định UKVFTA sẽ đảm bảo thương mại song phương không bị gián đoạn sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.

Bên cạnh đó, với nền tảng là kế thừa Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA cũng sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và UK, từ đó tạo động lực cho việc tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, đặc biệt trong bối cảnh hai bên vừa gia hạn việc duy trì quan hệ song phương ở cấp độ đối tác chiến lược.

Kể từ khi có hiệu lực, EVFTA đã trở thành cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Từ tháng 8 năm 2020, mặc dù diễn biến dịch bệnh tại EU và các nước trên thế giới rất phức tạp, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn liên tục ghi nhận mức tăng cao.

Vì vậy, với Hiệp định UKVFTA, các lợi ích trong mối quan hệ thương mại hiện có của hai bên tại Hiệp định EVFTA được duy trì.

Hiệp định song phương này là sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt.

Đặc biệt, Hiệp định UKVFTA không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Đáng lưu ý, Hiệp định UKVFTA có một số điểm mới như về thương mại hàng hóa, ngoài việc hai bên tiếp tục thực hiện cắt giảm thuế quan theo lộ trình của Hiệp định EVFTA, UK vẫn dành lượng hạn ngạch nhất định đối với 14 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam đang được hưởng ưu đãi theo cơ chế hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định EVFTA; trong đó có những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu lớn như gạo, tinh bột sắn, thủy sản. 

Cùng với đó, về thương mại dịch vụ, đầu tư và mua sắm của Chính phủ, hai bên cũng có một số điều chỉnh cho phù hợp với cam kết của một hiệp định thương mại tự do song phương giữa hai nước.

Về quy tắc xuất xứ, hai bên thống nhất áp dụng cơ chế cộng gộp xuất xứ mở rộng cho phép hàng hóa của hai bên được sử dụng nguyên liệu được nhập khẩu từ các nước thành viên EU. Điều này giúp các doanh nghiệp UK duy trì được chuỗi sản xuất và cung ứng hiện tại.

Riêng với Việt Nam, do việc thực thi cơ chế cộng gộp mở rộng còn khá mới mẻ nên hai bên cũng đã nhất trí tiến hành rà soát cơ chế này vào năm thứ 3 kể từ khi hiệp định có hiệu lực; các cơ chế thực thi hiệp định mang tính đặc thù giữa Việt Nam và EU cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp.

Phóng viên: Ý nghĩa và tác động của Hiệp định UKVFTA đối với Việt Nam như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiệp định UKVFTA có vai trò đảm bảo thương mại song phương giữa Việt Nam và UK không bị gián đoạn sau khi giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc.

Đối với Việt Nam, với những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa tương đương Hiệp định EVFTA cộng với việc có thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao như nông thủy sản sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Theo tính toán, giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3,5 nghìn tỷ/năm.

Trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, Hiệp định UKVFTA dự kiến giúp ổn định thị trường để các doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển. 

Thêm vào đó, với nền tảng là những cam kết tiến bộ, tiêu chuẩn cao của Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ song phương của hai bên một cách toàn diện và sâu rộng hơn nữa trong những năm tới, là cơ sở vững chắc để Việt Nam và UK duy trì và củng cố quan hệ đối tác chiến lược mà hai bên vừa thiết lập.

Đặc biệt, Hiệp định UKVFTA cũng là cơ sở để hai bên thúc đẩy khác khuôn khổ hợp tác khu vực và đa phương khác.

Phóng viên: Bộ trưởng có thể chia sẻ về cơ hội và thách thức của Hiệp định UKVFTA đối với Việt Nam?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: UK là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD.

Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. Đặc biệt, tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức trên 10%.

Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang UK là điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu.

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh.

Dư địa tăng trưởng thị trường tại UK cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của UK.

Tuy nhiên, khi UK rời EU, các ưu đãi mang lại từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ không được áp dụng tại thị trường UK.

Bởi vậy, việc ký kết một FTA song phương sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA, tránh gián đoạn các hoạt động thương mại do hệ quả mang lại của Brexit.

Bên cạnh đó, UK còn cam kết bổ sung về lượng TRQ (hạn ngạch thuế quan) đối với hơn 10 mặt hàng khác như trứng, tỏi, ngô ngọt, tinh bột sắn, surimi...

Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi UK là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng các mặt hàng ta được hưởng ưu đãi về hạn ngạch thuế quan như gạo, tinh bột sắn, thủy sản.

Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, nhu cầu nông sản, thực phẩm, sản phẩm điện tử (máy tính, thiết bị internet), đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế (máy thở, máy lọc máu), dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay nitrate, khẩu trang, quần áo cho nhân viên y tế và bệnh nhân) của thị trường Anh có xu hướng gia tăng.

Do đó, kết hợp với những cơ hội về tiếp cận thị trường từ Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường UK sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Tuy nhiên, những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho UK sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ trong nước, nhất là trong những ngành UK có thế mạnh như dịch vụ tài chính, dược phẩm, các mặt hàng hóa chất…

Cùng với đó, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía UK là rất cao.

Điển hình như với nông sản, dù UKVFTA kế thừa những ưu đãi với những quy định SPS (biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật) linh hoạt trong Hiệp định EVFTA nhưng các ngành hàng nông sản của Việt Nam như chè, rau quả... cần cải thiện tính đồng nhất trong từng lô hàng, thu hoạch bảo quản và chất lượng sản phẩm mới có thể chinh phục được thị trường khó tính này.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục