Hiệp hội Ngân hàng góp ý dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy

17:29' - 09/07/2024
BNEWS Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như làm tăng chi phí .

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) vừa có Công văn số 332/HHNH-PLNV góp ý dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo HHNH, việc dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy là chưa phù hợp với qui định của Luật Giao dịch điện tử 2023 (luật không cấm). Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử với các tổ chức tín dụng, thể hiện trên một số điểm sau:

 

Thứ nhất, khách hàng (doanh nghiệp và cá nhân) phải thanh toán các khoản phí để được cấp, duy trì hiệu lực của chữ ký số với số tiền vô cùng lớn;

Thứ hai, không đáp ứng tính kịp thời trong việc cung cấp chứng từ, chứng cứ chứng minh khi phát sinh khiếu nại, tranh chấp với khách hàng;

Thứ ba, hoạt động giao dịch của ngân hàng phụ thuộc hoàn toàn vào một hoặc một vài tổ chức thứ ba về cung cấp chữ ký số công cộng gây rủi ro rất lớn cho ngành Ngân hàng;

Thứ tư, tính ứng dụng của quy định về chữ ký điện tử chuyên dùng không khả thi về mặt thực tiễn nếu phạm vi sử dụng bị hạn chế;

Tại công văn, HHNH cho biết, hoàn toàn đồng tình và ủng hộ hướng tới một xã hội văn minh, mỗi người dân nên có 1 chữ ký số sử dụng cho các giao dịch công ích cũng như kinh doanh, song cần phải xem xét trong bối cảnh thực tiễn từ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mức thích ứng dần của người dân, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như làm tăng chi phí đột biến cho người dân và doanh nghiệp…

Chính vì vậy, Luật Giao dịch điện tử đã mở ra hướng tạo điều kiện cho người dân được quyền lựa chọn các hình thức, trong đó có chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn. “Khi người dân có mức thu nhập cao hơn, nhận thức và thấy rằng cần thiết phải có 1 chữ ký số cho riêng mình thì tự họ sẽ lựa chọn và quyết định, các qui định dưới luật không nên áp đặt để tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp”, HHNH nêu quan điểm.

Từ lý do đó, HHNH tiếp tục kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông điều chỉnh Điều 9 dự thảo Nghị định như sau:

“Điều 9: Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn:

2. Chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo an toàn do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng riêng cho hoạt động của cơ quan tổ chức đó, phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn trong hoạt động nội bộ của cơ quan, tổ chức tạo lập;

b) Tổ chức, cá nhân sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn trong các hoạt động chuyên ngành, hoặc lĩnh vực có cùng tính chất hoạt động, hoặc mục đích công việc và được liên kết với nhau thông qua điều lệ hoạt động, hoặc văn bản qui định về cơ cấu tổ chức, hình thức liên kết hoạt động chung;

c) Tổ chức, cá nhân khác sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn trong giao dịch với chính cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục