Hiệu quả chính sách tín dụng với đồng bào dân tộc thiểu số

19:16' - 25/09/2019
BNEWS Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo; trong đó có trên 2 triệu hộ thoát nghèo.
Hội thảo do NHCSXH phối hợp với Uỷ ban dân tộc tổ chức. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

Tại hội thảo “Đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam” do Ngân hàng Chính sách Xã hội với Uỷ ban Dân tộc phối hợp tổ chức chiều 25/9, các đại biểu tham dự đều có chung nhận định rằng tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, đến 31/8/2019, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang quản lý các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay, tổng dư nợ đạt gần 2.000 tỷ đồng, với 8,2 triệu món vay của gần 6,6 triệu khách hàng đang còn dư nợ.

Có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, với doanh số cho vay là 135.964 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 86.061 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8%/tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội, dư nợ bình quân một hộ dân tộc thiểu số đạt 34 triệu đồng/bình quân chung là 30,4 triệu đồng.

Riêng các chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số theo các Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg; Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg; Quyết định số 1592/QĐ-TTg và Quyết định số 755/QĐ-TTg và Quyết định số 2085/QĐ-TTg: doanh số cho vay đạt 3.830 tỷ đồng; doanh số thu nợ 1.411 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 2.342 tỷ đồng, với 163.694 hộ đang dư nợ và trên 371.000 lượt hộ vay vốn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo; trong đó có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 162.000 lao động (trên 16 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 211.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc thiểu số được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 215.000 căn nhà ở...

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số từ mặc cảm, tự ti, nay mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả; giúp đồng bào dần nâng cao chất lượng cuộc sống; nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số...

Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

Theo bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương, chính sách tín dụng ưu đãi là 1 trong 54 chính sách trực tiếp đang dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng lại là điểm sáng trong giảm nghèo bền vững. Cơ hội thay đổi cuộc sống đồng bào sẽ vô cùng khó nếu không có vốn.

Chính sách tín dụng qua một quá trình dài đã tạo nên bước chuyển trong chính sách rất quan trọng, loại bỏ tâm lý ỷ lại, nâng cao trách nhiệm của các hộ gia đình tiếp cận chính sách. Việc thay đổi nhận thức đó tạo cho các hộ gia đình khả năng vươn lên thoát nghèo bền vững hơn.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng cũng khẳng định, tín dụng chính sách xã hội đã tạo được lòng tin của Đảng đối với dân và dân đối với Đảng; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cao; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng ngày càng được tăng cường và củng cố.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2007 - 2015 giảm từ 14,75% xuống còn 4,25%; giai đoạn 2016 - 2018 giảm từ 8,23% xuống còn 5,35%; đặc biệt là giảm nghèo trong khối đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, rải ngân tại xã, rất phù hợp với tâm lý, tập quán của đồng bào.

Nếu không có Ngân hàng Chính sách Xã hội thì chắc tín dụng đen ở vùng nông thôn dân tộc thiểu số chưa biết sẽ diễn biến phức tạp đến cỡ nào.

Ông Đỗ Văn Chiến đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu cho các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số vay tín dụng chính sách với cơ chế đặc thù về thủ tục, mức vốn, lãi suất phù hợp đủ sức hấp dẫn để phát huy hiệu quả.

Trước mắt lập đề án xin thực hiện thí điểm nội dung này và cụ thể hóa trong đề án tổng thể tới đây trình với Quốc hội.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Dự thảo đề án tài chính toàn diện; trong đó tập trung cung cấp những giải pháp tiếp cận nguồn vốn và dịch vụ tài chính cho người dân, người nghèo, những đối tượng yếu thế ở vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Giải pháp này sẽ đưa vào áp dụng các công nghệ mới, chi phí thấp phục vụ bà con vùng sâu vùng xa.

Để thực hiện chiến lược tài chính toàn diện này, vai trò của các bộ ngành rất quan trọng và đặc biệt là vai trò của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Tới đây ngành ngân hàng sẽ chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội và hệ thống ngân hàng thương mại triển khai mạnh mẽ đề án tài chính tài diện để đưa các dịch vụ tài chính, ngân hàng đến tận vùng sâu vùng xa với chi phí thấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục