Hiệu quả chương trình cho học sinh, sinh viên vay vốn mua máy tính, thiết bị học tập

14:53' - 23/09/2022
BNEWS Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, đến hết tháng 7/2022, doanh số cho vay của chương trình cho học sinh, sinh viên vay vốn mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến là gần 7 tỷ đồng.

Thực hiện chương trình cho học sinh, sinh viên vay vốn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị liên quan giải ngân kịp thời, hiệu quả, tạo điều kiện cho hàng trăm học sinh, sinh viên có hoàn cảnh mua được máy tính, thiết bị phục vụ học tập.

 

Trợ lực cho học sinh, sinh viên nghèo

Gia đình chị Nguyễn Thị Lý (ở phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) là một trong những hộ đầu tiên được hỗ trợ từ chương trình cho vay mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Gia đình chị thuộc diện khó khăn, có 3 người con, trong đó, 2 con đang đi học.

Vì vậy, đợt học onilne vừa qua, hai cháu nhà chị phải đi học nhờ và sử dụng chung chiếc điện thoại của mẹ. Ngay sau khi biết được thông tin có chương trình vay cho học sinh, sinh viên mua máy tính học tập, chị đã đăng ký vay vốn 20 triệu đồng để mua máy tính cho con học tập.

Chị Nguyễn Thị Lý chia sẻ, từ khi có máy tính, chị thấy việc học tập của con tiến bộ hơn. Chị đi làm cũng yên tâm. Con chị được học thêm nhiều chương trình nâng cao, tiếp cận kiến thức mới.

Gia đình anh Vũ Thành Tiến ở thôn Đại Phúc 1, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên khá khó khăn. Hai con (bé lớn lớp 9, bé nhỏ lớp 5) vất vả duy trì việc học tập, tra cứu thông tin bằng điện thoại nhưng anh không có đủ tiền để mua máy tính cho con. Ngay sau khi biết đến chương trình cho vay vốn mua máy tính và thiết bị học tập, anh Tiến phấn khởi đăng ký vay 20 triệu đồng mua máy tính cho con.

Nhờ chương trình, anh được vay vốn để mua máy tính cho con học. Khi dịch bệnh đã được kiểm soát, có máy tính, việc học tập của con rất thuận tiện, anh Vũ Thành Tiến cho biết thêm.

Tập trung giải ngân vốn vay

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 7/2022, doanh số cho vay của chương trình cho học sinh, sinh viên vay vốn mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến là gần 7 tỷ đồng với 353 hộ đang vay vốn để mua máy tính cho con em học tập.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang tích cực phối hợp với các xã, phường, thị trấn và tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác tăng cường tuyên truyền về chương trình để các gia đình có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn tiếp cận hiệu quả, nhanh chóng nhất.

Ông Tạ Ngọc Thảo, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND tỉnh và chỉ đạo các bên liên quan rà soát nhu cầu vay vốn, chương trình tín dụng phục hồi phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trong đó, có chương trình cho học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn vay vốn mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến. Đơn vị đề xuất với Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung thêm nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn trên địa bàn tỉnh.

Để hỗ trợ học sinh có thiết bị phục vụ học tập, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 21/9/2021 về việc triển khai Chương trình "Sóng và máy tính cho em" trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Phúc vận động, kêu gọi, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan trong hệ thống chính trị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn trong việc hỗ trợ máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh cho học sinh của tỉnh.

Vĩnh Phúc phấn đấu 100% học sinh có thiết bị công nghệ, kết nối internet đáp ứng điều kiện học trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông chủ động triển khai hạ tầng, phát triển các nền tảng đáp ứng yêu cầu kết nối phục vụ việc dạy và học trực tuyến, lắp đặt cáp quang đến 100% khu dân cư, thôn, xóm, bản trên địa bàn để sẵn sàng kết nối internet; tăng dung lượng gói kết nối internet phục vụ việc dạy, học trực tuyến; xây dựng cơ chế, chính sách miễn, giảm giá tiền lắp đặt, hỗ trợ cước kết nối internet cho các hộ có con em là học sinh./.

>>Cải thiện điều kiện sống của người nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục